[Sứ Vụ Hè] Cuốn Sách Cuộc Đời

13-08-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1348 lượt xem

Sỹ Bình – Minh Thuật

Dạo này Sài Gòn cứ mưa hoài, những cơn mưa làm chúng tôi nhớ về nơi ấy, có lẽ những ngày này trời cũng đang mưa. Chẳng chợt mưa rồi chợt tạnh như những cơn mưa đỏng đảnh của Sài Gòn, mưa Cao nguyên dầm dề từ sáng tới tối, tiếng mưa rả rích dai dẳng suốt cả ngày cứ như một cung đàn không dứt. Ngắm những giọt mưa rơi tí tách trước sân nhà, chúng tôi nhớ về những cơn mưa của Kontum, cơn mưa nơi khoảnh sân của giáo xứ Kon Rờbang và cơn mưa kỉ niệm của những ngày đang thực tập tông đồ tại đó.

Tháng Sáu tạm khép lại những giờ học miệt mài trên lớp, kết thúc những môn thi cuối kì tại Thỉnh Viện, 2 anh em chúng tôi có cơ hội chào đón một mùa hè với chuyến “đi du học” gần trọn tháng Bảy tại Kontum. Sở dĩ gọi là “đi du học” vì ở nơi đến, chúng tôi chẳng khác gì những du học sinh vừa cập bến một vùng đất mới, nơi đó phải đối diện toàn những điều mới, cách biệt nhau về ngôn ngữ, khác nhau về văn hóa nên dường như chúng tôi phải học tất cả mọi thứ. Đó là những điều chúng tôi học được không phải trên những cuốn sách bằng giấy nhưng là cuốn sách được dệt nên bởi những ngày tháng ý nghĩa giữa núi rừng Tây Nguyên này.

Học về sự lên đường

Nhìn vào vòng xoay của cuộc sống, chúng ta nhận ra một chân lý rằng: Nếu hạt mầm không dám tách mình ra thì cũng sẽ chẳng có một chồi non xuất hiện. Nếu một bào thai không chịu đi ra khỏi dạ mẹ, nó sẽ chết đi. Nếu ta sợ té mà không dám tập đi, sẽ chẳng bao giờ ta có thể chạy nhảy được. Một con chim không tập bay, nó sẽ chẳng bao giờ cảm nghiệm được vùng trời xanh trên cao kia đẹp biết chừng nào. Ý thức được điều đó, mỗi chúng tôi không thể mãi định cư nơi Thỉnh viện hay dừng chân ở những điểm dừng mà chúng tôi yêu thích, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi cần mặc lấy tâm tình của người môn đệ Chúa Giêsu, sẵn sàng lên đường, dù phía trước là biên cương hay chốn quê nghèo. Tất nhiên lần đầu tiên về sống ở một giáo xứ miền sơn cước, ít nhiều chúng tôi cũng có chút ái ngại và do dự ban đầu. Nhưng rồi chuyến xe chiều muộn khởi hành từ bến xe Miền Đông hôm ấy cũng đưa chúng tôi đến được với giáo xứ Kon Rờbang, một xứ đạo thuộc miền truyền giáo của các cha Đa Minh trên núi đồi Kontum. Đây là một giáo xứ mà hầu hết giáo dân đều là người dân tộc Ba Na, họ sống tập trung trong các làng san sát nhau, với truyền thống văn hóa bản địa rất sâu sắc. Do vậy, khi hành trình lên đường vừa mới bắt đầu, cảm nghiệm ngay trong chính những bước chân đầu tiên, chúng tôi nhận ra rằng Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ từ bao lâu nay, chứ không phải chúng tôi là người mang Chúa tới, nên sự lên đường của chúng tôi, đúng nghĩa hơn đó là một “chuyến hành hương”.

Học về đời sống cộng đoàn Đa Minh

Còn nhớ từ thuở khai sinh của Dòng, cha thánh Đa Minh đã sai 16 môn đệ đầu tiên đến các thành phố lớn để học hành, giảng thuyết và lập tu viện. Đó cũng là tinh thần của người tu sĩ Đa Minh, họ không quản ngại việc lên đường. Họ ra đi để biến mọi miền đất xa lạ trở thành quê hương, trở thành cộng đoàn và trở thành gia đình của mình. Tiếp nối dòng chảy đó, khi đến với Kon Rờbang hôm nay, ta gặp ngay một một cộng đoàn Đa Minh đang hiện diện cho sứ vụ truyền giáo. Cũng chính cộng đoàn ấy, sớm trưa chiều tối vang lên lời nguyện kinh ngân vang, trầm bổng. Hòa cùng tiếng cồng, tiếng chiêng nơi đây, lời nguyện kinh ấy đang mỗi ngày tấu lên bản trường ca đầy khí thế vang vọng đại ngàn. Đó chính là hoa trái của những bước chân Đa Minh sẵn sàng đến và hiện diện như một người con của núi rừng Cao nguyên. Dẫu rằng, cơ sở vật chất ở cộng đoàn nơi đây còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng chính sự lan tỏa của niềm vui đời sống cộng đoàn nơi đây, nên giáo xứ trở thành điểm dừng chân quen thuộc của nhiều anh em Đa Minh và nhiều đoàn hành hương hay từ thiện cũng đến đây như một điểm hẹn.

Đời sống cộng đoàn ở đây mang đến cho chúng tôi rất nhiều ngạc nhiên, nhưng có lẽ một điểm khiến chúng tôi ấn tượng cách đặc biệt nơi các cha, các thầy đó chính là sự “trung thành” với các giờ kinh chung. Mặc dù công việc có bề bộn thế nào thì đối với cộng đoàn chỉ có trễ giờ cơm chứ không có trễ giờ kinh. Chúng tôi từng được biết đến sự linh động trong công tác mục vụ, nhiều khi cộng đoàn hoặc cá nhân rất dễ miễn chuẩn kinh nguyện sau những giờ làm việc mệt mỏi. Nhưng cộng đoàn ở đây thì khác, chính đời sống kinh nguyện của các cha anh thực sự là một mẫu gương sống động để chúng tôi cố gắng hơn trong đời sống kinh nguyện của chính bản thân mình; đồng thời chúng tôi cũng ý thức được đời sống cầu nguyện có giá trị và quan trọng thế nào đối với các hoạt động sứ vụ.

Học nơi giáo xứ

Nếu các tu sĩ Đa Minh ở đây, tạo nên sự gắn kết bền chặt về tính cộng đoàn giữa các anh em với nhau, thì có lẽ sẽ thật thiếu sót, nếu chúng tôi không nói về tính liên đới và đời sống đức tin của cộng đoàn giáo xứ.

Với khoảng 4 ngàn giáo dân bà con các sắc tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Ba Na. Nền kinh tế chính của họ phụ thuộc khá nhiều vào nương rẫy. Một ngày mới của họ nhiều khi được bắt đầu trên nương khi mặt trời còn chưa thức giấc, thế nhưng không có buổi sáng nào mà thánh đường vắng bóng giáo dân trong các thánh lễ. Có những buổi sáng trời mưa, gió lạnh, căn phòng chúng tôi ở chỉ cách giáo xứ mấy chục bước chân nhưng để có thể can đảm bước ra khỏi cái chăn ấm áp là cả một sự cố gắng không nhỏ. Vậy mà chỉ cần bước vào nhà thờ, chúng tôi đã nhận ra bà con giáo dân cùng các em thiếu nhi đã ngồi đầy ắp các dãy ghế, và sốt mến đọc kinh để chuẩn bị cho thánh lễ sáng. Thói quen tham dự Thánh lễ đầu ngày dường như đã trở nên một phần quan trọng từ các em thiếu nhi cho đến những người lớn tuổi, đây có lẽ là một hình ảnh đẹp nhất mà chúng tôi muốn kể cho tất cả mọi người về giáo xứ Kon Rờbang, về đời sống đức tin của những con người đơn sơ, chất phác ở đây.

Những ngày ở giáo xứ Kon Rờbang, chúng tôi còn có cơ hội đi thăm hỏi những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cũng như các cụ ông, cụ bà lớn tuổi. Đôi khi căn nhà chỉ đơn giản là mấy tấm ván được che chắn cách tạm bợ cùng với mấy tấm bạt đã mục nát từ khi nào, đồ dùng trong nhà có thể thiếu đủ thứ, nhưng tuyệt nhiên không nhà ai thiếu bàn thờ Chúa được đặt nơi trang trọng nhất để cả gia đình cùng nhìn thấy. Bởi bàn thờ là nơi mọi thành viên trong nhà cùng hướng về Chúa trong những đọc kinh chung với nhau. Có những cụ bà tuổi cao sức yếu không thể đi lễ thường xuyên được, vẫn tự hào đưa cho chúng tôi xem chuỗi mân côi đã nhạt màu mà họ dùng để hiệp ý với các thánh lễ từ xa. Chúng tôi nhớ có lần, bàn tay nhăn nheo vất vả của một cụ già 80 cầm lấy tay tôi. Cụ nói: “mai mốt các thầy quay lại nhà bà chơi nhé, làng này chưa có nhiều người đi tu đâu” Chúng tôi nở nụ cười mà lòng nhậm ngùi. Cũng có những cụ tin vào Chúa khi đã bước vào tuổi xế chiều, làm cho chúng tôi thêm xác tín vào niềm tin của mình hơn. Đó chính là những hình ảnh thật đẹp và thật đáng ngưỡng mộ biết bao nhiêu.

Học được nền văn hóa, ngôn ngữ mới

Nếu ở Sài Gòn, nhịp sống quá bận rộn, nhiều khi hàng xóm không biết rõ tên nhau thì đến Kon Rờbang ta mới hiểu được thế nào là tình làng nghĩa xóm. Thật vậy, các gia đình ở đây thường xây dựng san sát nhau, đôi khi chẳng cần hàng rào, chỉ cần mở cửa ra là có thể sang được khoảnh vườn của nhà bên cạnh. Để rồi sau những giờ cần lao vất vả trên nương rẫy họ lại về chia sẻ cho nhau nghe những chuyện buồn vui của núi rừng. Buổi gặp mặt đôi khi chẳng cần mâm cỗ cao sang, chỉ cần một ghè rượu cần, thức ăn đôi khi được bày trên những tấm lá rừng rồi hoà cùng tiếng cồng, tiếng chiêng nơi đây, niềm vui của họ dường như chẳng bao giờ có điểm dừng.

Có lẽ khi nhắc Tây Nguyên ta không thể không nhắc đến không gian văn hoá của Cồng chiêng Tây Nguyên – nơi lưu giữ cái hồn của của rừng núi. Ở nơi đây, chiếc cồng, chiếc chiêng là tài sản quý giá được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác nên ngay từ nhỏ, các em bé đã được ông bà và những người lớn dạy cho sử dụng cách thành thạo các khí cụ này. Chính vì thế, ta sẽ không quá ngạc nhiên khi thấy nhiều em thiếu nhi ở đây có thể dùng được cách phong phú các khí cụ trong phụng vụ. Nhưng ta sẽ phải ngạc nhiên khi lời cầu nguyện được hòa trộn với âm vang của đất trời, của lòng người và của cả một lịch sử hào hùng nơi đây đánh động tâm hồn ta đến thế nào.

Hình ảnh lấy từ Capitulum General OP – Bien Hoa Facebook

Nếu cồng chiêng là nơi lưu giữ cái hồn của rừng của núi, thì tiếng nói sẽ là thanh âm của tâm hồn con người. Quả thế, nếu mới đến Kon Rờbang những ngày đầu tiên, hầu hết mọi người sẽ bỡ ngỡ khi nghe ai đó nói: “Thơ thâu năr’nao xô xôn ling lang ” hoặc “Hmach kơ Thầy”, “Hmach kơ Ba”… bởi đó chính là lời chào của người Ba Na khi muốn nói chúc một ngày mới tốt lành hay gửi lời chào đến các thầy, các cha khi gặp mặt. Dẫu rằng, thật không dễ dàng cho chúng tôi để có thể hiểu được ngôn ngữ này, nhưng qua một tháng chăm chỉ “tìm người nói chuyện” chúng tôi thực sự thích thú khi có thể chào một ai đó tới nhà thờ bằng tiếng Ba Na, hay tuyệt vời hơn nữa có thể cầu nguyện với giáo dân bằng chính ngôn ngữ của họ. Tất nhiên có những giờ Phụng vụ chúng tôi không hiểu hết nội dung, nhưng chúng tôi đã khám phá ra rằng việc lắng nghe và hiểu một ngôn ngữ mới không đơn thuần chỉ là công việc của của đôi tai và trí não nhưng là một sự cảm nghiệm của con tim. Bởi ngôn ngữ của tình yêu không đơn thuần chỉ là tiếng nói nhưng chính là sự rung động của tâm hồn.

Học nơi những bạn trẻ

Ở giáo xứ, nhiệm vụ chính của chúng tôi là đồng hành với các em trong học tập, chúng tôi được chia lớp và đảm nhiệm về nhiều môn. Những ngày lên lớp là những chuỗi kỉ niệm, cùng cười, cùng hát, cùng học và đặc biệt là cùng đồng hành với các em ôn tập “vượt cạn” các kì thi chuyển cấp lớp 9 lên 10 cũng như khối THPT chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp. Nhớ đến sự thắc mắc của một em thiếu nhi trong giờ lên lớp, em nói: “Thầy ơi, tại sao tụi con phải học tiếng của người Kinh, trong khi người Kinh chẳng cần phải học tiếng dân tộc của tụi con”. Quả thật, đó là một câu hỏi không dễ để trả lời cho em! Tại sao em lại hỏi câu hỏi đó? Có lẽ em nói điều ấy một cách vô thức, nhưng chúng tôi hiểu các em ở đây đã phải trải qua rất nhiều khoảng thời gian không được tôn trọng, không được nói điều các em muốn nói,… bởi sự phân biệt đối xử trong các trường học, lối sống sinh hoạt hằng ngày. Chính điều đó, chúng tôi rút ra được rằng để nói một ngôn ngữ cần phải chấp nhận một thế giới, một nền văn hóa. Đó cũng là lý do tại sao, chúng tôi vẫn khuyến khích các em giữ tiếng nói của dân tộc mình.

Một điều cũng để lại không ít sự ái mộ trong chúng tôi đó là tinh thần vượt khó của các bạn trẻ nơi đây. Các em nghèo về vật chất nhưng lại mang trong mình một ý chí mạnh mẽ, một lối sống có trách nhiệm đối với gia đình và giáo xứ. Cái nghèo không “vùi dập” được các em nhưng lại là động lực để các em cố gắng. Khi chúng tôi hỏi về ước mơ, hầu hết các em đều trả lời là muốn trở thành một giáo viên trong tương lai để có thể dạy học cho các em trong giáo xứ. Vâng, thật cảm động biết bao khi nghe những lời đó lại được thốt ra từ chính các em, những ước mơ thấm đượm tình yêu, những ước mơ giàu lòng nhân ái và cao thượng. Chính cách sống biết nghĩ, biết quan tâm đến người khác nơi các em đã lan truyền và đọng lại mãi trong tâm trí chúng tôi.

Học và ra đi

Chuyến hành trình của chúng tôi tại giáo xứ Kon Rờbang tưởng chừng tạm khép lại sau một tháng cảm nghiệm. Nhưng đến những ngày khi phải rời đi, Chúa không để chúng tôi ra đi đơn hành. Theo chuyến xe đi về Sài Thành còn có đông đảo bà con giáo dân Kon Rờbang tiếp tục lên đường, mang những câu chuyện về cuộc sống thường nhật nơi Cao Nguyên để kể cho các nghị huynh qua những lời ca, tiếng hát trong đêm văn nghệ phục vụ Tổng hội. Và cũng trong dịp ấy, câu chuyện về đời sống nơi giáo xứ và buôn làng Kon Rờbang còn có cơ hội đến với Đại học Hoa Sen – một ngôi trường đào tạo các sinh viên về văn hóa dân tộc. Để những trường ca của đời sống bà con nơi núi rừng tiếp tục ngân vang mãi.

Tạ ơn Chúa, cám ơn cha xứ, cha phó cùng cộng đoàn tại Kon RờBang đã cho chúng tôi có cơ hội đến nơi đây trong một mùa hè thật ý nghĩa. Để chúng tôi nhận ra rằng, mình quá bé nhỏ với thế giới bao la bên ngoài. Một tháng tuy thật ngắn ngủi nhưng cũng đủ để chúng tôi học hỏi những điều quan trọng về sứ vụ của các tu sĩ Đa Minh nơi vùng biên cương xa xôi, về đời sống đức tin sống động của bà con các sắc tộc miền núi. Tất cả làm nên một hành trình “để thương, để nhớ” trong con tim chúng tôi.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com