[Các Thánh Tử Đạo VN] Sống Ngay Chính Trước Mặt Thiên Chúa Và Người Đời

23-11-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1493 lượt xem

24/11 – Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam, Lễ Trọng

Ga 17, 11b-19

Hôm nay, Giáo hội Việt Nam hân hoan mừng kính các thánh tử đạo, những bậc cha anh của chúng ta đã anh dũng lấy chính mạng sống để làm chứng cho niềm tin Kitô. Khi tôn vinh lòng trung kiên của các ngài, các tín hữu cũng được khích lệ can đảm sống niềm tin Kitô của mình trong hoàn cảnh hiện tại

Chúng ta biết, vào thời bách hại, các vua chúa lúc bấy giờ thường đòi hỏi các Kitô hữu phải bày tỏ một dấu hiệu chối đạo, gọi là ‘quá khoá’, tức bước qua thập giá. Ban đầu thường các quan sai lính dùng vũ lực để bắt ép các Kitô hữu thực hiện hành vi chối đạo này. Biện pháp vũ lực không hiệu quả, các quan đưa ra một đề nghị xem ra rất dễ chịu và có sức thuyết phục hơn, đó là hãy cứ giả vờ chối đạo, tức bước qua thập giá đi, còn trong lòng anh cứ tin Chúa, cũng không sao. Đó quả thật là một cách thức thoả hiệp thật tinh vi, các quan lúc bấy giờ khuyến khích các Kitô hữu thực hiện để giữ lấy mạng sống.

“Quá khoá” là hành động tự nó đi ngược với bản chất Kitô hữu. Vì thế trong suốt 3 thế kỷ Giáo hội Việt Nam bị bách hại, cha ông của chúng ta đã kiên trung giữ vững đức tin bằng chính giá máu của mình, từ chối thoả hiệp, sống lập lờ hai mặt theo kiểu thế gian. Đức tin đối với các ngài, là một chọn lựa dứt khoát, liên hệ đến cả cuộc sống, liên hệ đế sự sống chết của bản thân.

Các ngài đã phải đối diện với mọi thứ cực hình tàn bạo đưa đến cái chết:  tù đày, gông cùm, xiềng xích, tra tấn, chặt đầu, thắt cổ, phanh thây, voi dày, thiêu sống, buộc đá thả trôi sông, v.v.. Những Kitô hữu lẩn trốn được phần lớn cũng chết vì đói khát, bệnh tật hay bị dã thú ăn thịt… Trong số 117 vị  thánh Tử đạo, có 79 vị bị xử trảm (chặt đầu); 18 vị bị xử giảo (thắt cổ); 8 vị chết rũ tù; 6 bị thiêu sống; 4 bị lăng trì (phân thây ra từng mảnh); 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.

Chứng tá đức tin của các vị tử đạo đã thực sự làm trổ sinh thêm nhiều Kitô hữu khác cho Giáo hội Việt Nam. Tertulianô –  một văn sĩ thời các giáo phụ đã viết cho những người Rôma đang bách hại Giáo hội thời sơ khai rằng : “Các vị càng tiêu diệt chúng tôi, chúng tôi càng gia tăng [vì…] máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu”.

Sự bách hại đưa đến cái chết, đó là điều các Kitô hữu không mong muốn. Nhưng nhìn một cách tích cực hơn, bách hại có thể xem như một sự thanh luyện đức tin, qua đó phẩm chất Kitô hữu được biểu lộ. Sống đức tin một cách trung kiên, không giả dối, cha ông chúng ta đã đón nhận cái chết trong sự bình an, không thù hận, không oán thán. Điều đem lại sức mạnh và sự bình an cho các tử đạo đó chính là thập giá Đức Kitô. Trong ngục thất, thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh viết cho các chủng sinh Kẻ Vĩnh như sau:

Ngục thất này quả là một hình ảnh sống động của hoả ngục đời đời: ngoài gôm cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù, nguyền rủa, những lời tục tĩu, những sự gây gỗ, những hành vi xấu xa, những lời thề gian, nói hành, và cả nỗi chán nản, buồn phiền, cả ruồi mỗi rận rệp. […] Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tỗi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Kitô ở cùng tôi. Người là Thầy của chúng ta, Người mang tất cả sức nặng thập giá, chỉ để cho tôi đỡ phần nhẹ nhất. Người không chỉ nhìn tôi chiến đấu, mà chính Người đang chiến đấu và chiến thắng. Vì thế, triều thiên vinh quang đã được đặt trên đầu Người, nhưng chi thể cũng được hân hoan vì vinh quang của đầu.1

Ngày hôm nay, các Kitô hữu không còn phải đối diện với bách hại như trước đây. Và như thế, phải chăng các Kitô hữu dễ dàng hơn để sống đức tin của mình? Thử thách của đức tin hôm nay không phải là bách hại, nhưng là những hình thức tinh vi của sự thoả hiệp, sống đạo cách lập lờ, sao cho phù hợp với hoàn cảnh, có lợi cho bản thân là được. Việc thực hành tôn giáo (đi lễ, đọc kinh, lãnh các bí tích, v.v.,) có nguy cơ trở thành những thực hành không liên quan gì đến cuộc sống thật của chúng ta. Người ta có thể rất sốt sắng đọc kinh, cầu nguyện, xin ơn Chúa, nhưng cũng dễ dàng chấp nhận thoả hiệp với sự gian tà, hoặc giữ sự thinh lặng trước cái xấu để được yên thân. Thậm chí để gọi là “được việc cho nhà Chúa”, người có đạo có khi dùng cả cách thức chạy chọt, đút lót theo kiểu thế gian.

Trong lời nguyện hiến tế, vào giờ sắp bước lên Thập Giá, với tư cách là vị Trung Gian của Giao Ước mới, Đức Giêsu xin Chúa Cha cho các môn đệ của Người được thánh hiến trong sự thật, để một khi được sai vào thế gian, các môn đệ sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian.

“Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19). Sự “thánh hiến chính mình” Đức Giêsu đã thực hiện chính là hy tế Thập giá, nhờ đó hiệu quả của ơn cứu độ đã mang lại sức mạnh và lòng can đảm cho các chứng nhân đức tin trung kiên sống sự thật, ngay chính trước mặt Thiên Chúa và người đời.

“Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội thánh Việt nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhậm lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Amen.”2

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com