[CN11TN-B] Nước Thiên Chúa Là Đức Tin Và Ân Sủng Đang Tăng Trưởng

17-06-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1712 lượt xem

Ed 27, 22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4, 26-34

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là giáo huấn của Đức Giêsu về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Hai dụ ngôn Người dùng để giảng dạy cho dân chúng đi theo sau Dụ ngôn người gieo giống (Mc 4,1-9). Vì vậy ta cần nhắc lại ý nghĩa dụ ngôn người gieo giống. Khi ở riêng với các môn đệ, Đức Giêsu giải thích: người gieo giống là người gieo Lời, hạt giống là Lời được gieo, tâm hồn con người là mảnh đất đón nhận lời và sẽ tùy vào mảnh đất ấy gai góc, cằn cỗi hay màu mỡ hay mà lời sinh hoa kết quả ít hay nhiều (Mc 4, 13-20).

Trở lại với dụ ngôn hai dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay. Ở dụ ngôn thứ nhất, Đức Giêsu ví Nước Thiên Chúa như chuyện một người gieo vãi hạt giống (Mc 4,26-29). Nhưng khác với dụ ngôn người gieo giống, Đức Giêsu không nhằm đến người gieo giống, không nhằm đến hạt giống và cũng không nhằm đến tình trạng của mảnh đất nơi hạt giống được gieo xuống. Hạt được gieo xuống, rồi nảy mầm, phát triển và đơm bông kết trái khi mùa gặt đến. Chính người gieo giống cũng không thể kiểm soát được tiến trình phát triển này. Và đây mới chính là trọng tâm của dụ ngôn. Các nhà chú giải đặt tên cho dụ ngôn này là dụ ngôn hạt giống tự mọc lên.

Ở dụ ngôn thứ hai, Đức Giêsu ví Nước Thiên Chúa như hạt cải (Mc 4,30-31). Thế nhưng hạt giống cũng không phải là trọng tâm của dụ ngôn mà là sự so sánh giữa hạt giống và cây: Hạt giống thì bé nhỏ, nhưng đã phát triển thành cây to lớn.

Như thế qua cả hai dụ ngôn, Đức Giêsu ám chỉ đến tiến trình hình thành và phát triển Nước Thiên Chúa. Tiến trình này rất nhiệm mầu và siêu nhiên khiến người ta không thể quan sát được bằng những giác quan thông thường. Người ta cũng không thể nhận biết Nước Thiên Chúa đang tăng trưởng ra sao mãi cho đến mùa thu hoạch.

Mục đích khi kể hai dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn củng cố lòng xác tín của các môn đệ vào sứ vụ khai mở Nước Thiên Chúa mà người đang thực hiện. Bởi lẽ, các môn đệ chứng kiến Người đang phải đối diện với sự tấn công bằng nhiều cách từ phía các lãnh đạo Do Thái. Xét về phương diện con người, trước quyền lực tôn giáo, chính trị của nhóm Thượng tế, Luật sĩ và Sađốc, Đức Giêsu rõ ràng tỏ ra yếu thế. Vậy, đâu là sức mạnh làm cho làm cho công trình của Người được bảo đảm và bền vững? Sức mạnh ấy chắc chắn không phải là sức mạnh con người, nhưng là quyền năng Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa làm chủ công trình của Đức Giêsu, tức là Nước Thiên Chúa được gieo và lòng con người và sinh hoa kết quả dồi dào, với những “bông lúa nặng trĩu hạt.”

Thánh Máccô viết Tin Mừng vào hoàn cảnh khi ấy Giáo hội đang phải chịu sự thử thách. Hình như là Thiên Chúa đang vắng mặt, trong khi những thế lực sự dữ đang rình rập chống phá Giáo hội. Và thậm chí ngay trong một số hội thánh địa phương cũng đang có những chia rẽ. Thánh Máccô kể lại hai dụ ngôn này nhằm củng cố lòng tin cho các Kitô hữu lúc bấy giờ. Nước Thiên Chúa đây là gì? Nước Thiên Chúa chính là đức tin và ân sủng không ngừng tăng trưởng nơi các tín hữu. Giáo hội có sứ vụ gieo hạt giống Nước Thiên Chúa nơi tâm hồn con người và quyền năng Thiên Chúa sẽ làm cho hạt giống ấy lớn lên và đâm bông kết trái. Giáo hội không làm chủ sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa và cũng không phải chủ mùa gặt. Giáo hội đang trên đường lữ hành, dù có những bất hòa, chia rẽ, sai lạc, v.v., nhưng những khiếm khuyết ấy không thể ngăn cản Nước Thiên Chúa tăng trưởng. Chính Chúa Giêsu, qua Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động để làm phát sinh ơn sủng trong Giáo hội, nơi đời sống các tín hữu. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đa, Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang, và thu hoạch mùa gặt của Người.

Bất cứ lúc nào, Giáo hội cũng phải đối diện với những thử thách. Ngày hôm nay, Giáo hội cũng đang phải đối diện với những khủng khoảng chính trong Giáo hội, có khi nhiều hơn là những thách đố đến từ bên ngoài. Những khuyết điểm của Giáo hội có thể khiến cho không ít tín hữu lung lạc đức tin, thậm chí rời bỏ Giáo hội.

Hạt giống phải trải qua quá trình phát triển âm thầm thành cây, sinh hoa trái  để chờ mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn. Trong những dấn thân âm thầm hằng ngày, chúng ta tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Thiên Chúa, vì chính Người sẽ hoàn thành những công việc tốt đẹp Người đã khởi sự nơi chúng ta. Xin Thiên Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó. Amen.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com