[Nhân Bản Kitô Giáo] Dẫn Nhập

30-03-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2637 lượt xem

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.

1. Nhận định về hiện tình Giáo hội

Nói chung, các chương trình nhân bản trong Kitô giáo hiện nay vẫn dựa vào những đức tính của Khổng giáo. Điều đó có thể được coi như một bước hội nhập văn hoá. Tuy nhiên, để hội nhập văn hoá, người Kitô hữu cần phải xác tín và được củng cố vững chắc trong chính tinh thần Kitô giáo, nhất là tinh thần Kitô giáo trong cuộc sống nhân sinh.

Đường lối tu đức của người xưa là con đường “thuần tuý thiêng liêng”, những cố gắng thu gom công phúc. Con đường tu đức của người trẻ hiện nay lại muốn “làm người trước khi làm thánh”. Cả hai đường lối đó đều tỏ ra không thành công lắm và nhất là không có tính thuyết phục đối với những người ngoài Kitô giáo. Một đàng (lối thuần tuý thiêng liêng) thì không có điểm chung với người khác vì không cùng đặt mình trong mảnh đất nhân bản để đối thoại. Đàng khác, đường lối thuần tuý nhân bản lại không gợi ra, không làm chứng được sức mạnh cứu độ siêu nhiên của Thiên Chúa đối với đời sống con người (trừ ra niềm tin sẽ được vào Thiên Đàng). Cả hai cách thức đó khiến cho bộ mặt của Kitô giáo không còn nét nhân bản đặc trưng nào cả. Nói đến Giáo hội Công giáo, người ta nghĩ đến một tổ chức chặt chẽ, hơi khép kín và có tính quyền lực. Nói đến người Kitô hữu, người ta tưởng ra những con người có nhiệm vụ đi lễ ngày Chúa Nhật, xưng tội… Còn đâu hình ảnh một cộng đoàn Kitô hữu “kìa xem họ yêu thương nhau biết bao” của thời Giáo hội sơ khai, hoặc “đạo những người yêu thương” khi Kitô giáo đặt chân đến Việt Nam, để cho “ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” [Ga 13,35]?

Thực sự Kitô giáo, tuy vẫn luôn bao hàm giá trị huyền nhiệm, nhưng không bao giờ loại bỏ những giá trị nhân sinh:

“Thật vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu và nhờ Chúa Thánh Thần để phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại các giá trị ấy trong tình trạng đã được tinh luyện khỏi mọi uế tạp, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô trao lại cho Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và phổ quát: ‘Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và đầy ơn phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an’ [Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô Vua]. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa trở lại.”1

Trong chiều hướng ấy, có lẽ hơn lúc nào hết, chúng ta cần tìm lại lập trường của thánh Thomas : “Siêu nhiên không phá đổ nhưng kiện toàn tự nhiên”, lập trường có khả năng làm chứng cho một đời sống nhân bản đích thực nhờ vào hồng ân siêu nhiên đích thực.

2. Tín lý và những giá trị nhân sinh

Khi triệu tập Công Đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đã tỏ ý muốn đây là một công đồng mang tính “mục vụ”. Cảm thức của Đức Gioan XXIII về tầm quan trọng của tính cách mục vụ được sáng tỏ hơn khi các nghị phụ bàn về mục đích của mạc khải, số 11 trong Hiến chế Tín lý về Mạc khải :

 “Vì tất cả những gì các tác giả được linh hứng, cũng gọi là thánh sử, đã viết ra, phải được xem là những điều được xác quyết bởi Chúa Thánh Thần, nên phải tuyên nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm về chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta. Bởi vậy “toàn bộ Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và hữu dụng trong việc giảng giải, biện bác, sửa dạy, giáo dục để nên công chính: giúp cho người của Thiên Chúa trở nên toàn hảo và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” [2 Tm 3,16-17: bản Hy Lạp].”

Cha P. Gomez cũng viết trong phần giới thiệu về Hiến chế này như sau :

“Việc xác định chân lý Thánh Kinh ở số 11 là một điều rất quan trọng. Người ta không thể tìm thấy trong Thánh Kinh bất loại chân lý nào [khoa học, lịch sử, địa lý, dân chủng học…] nhưng chỉ có thứ chân lý cứu thoát chúng ta, và ta cũng nên lưu ý Công đồng không nói “những chân lý” những nói “chân lý” ở số ít; chân lý ấy đồng thời cũng là sự sống, là đường dẫn đến sự cứu độ. Điều đó muốn nói rằng chân lý của chúng ta không phải chỉ là một điều ta biết suông, nhưng là một bổn phận phải thực hành, ‘những thực hành chân lý’ [Xc. Ep 4, 15], và phải tiến tới trong chân lý, ‘đi trong chân lý’. Công Đồng muốn giải phóng thần học khỏi quan niệm Hy Lạp về chân lý quá tĩnh, để trở về với ý niệm Do Thái linh động hơn, cởi mở hơn đối với mầu nhiệm Thiên Chúa.”

Quả thật, khi một giá trị nhân sinh càng chân chính, càng hợp với “lòng trời”, với “ý dân”, càng đụng đến nền tảng “hữu thể” của con người thì nó càng có khả năng lay động con người và xã hội. Quả thật, trong quá trình dài của lịch sử, chính cái đẹp, chính những giá trị nhân sinh chân thật mới là sức mạnh để “cứu độ” con người.

Có rất nhiều điều trong tín lý và luân lý Kitô giáo, đáng lẽ bao hàm và diễn tả những giá trị nhân sinh cao đẹp, thì lại bị biến thành những qui định cứng nhắc, những giới luật đòi buộc cách áp đặt, những uý kỵ vô cớ.

Khi tìm thấy những giá trị nhân sinh của Kitô giáo như thế, kinh Tin Kính không phải chỉ là một bản “nội qui” buộc phải chấp nhận, một bài học cần phải thuộc lòng, nhưng thực sự là một bản hùng ca của sức mạnh cứu độ, một bản hoan ca của tình thương đại đồng, một bản hy vọng ca về tương lai nhân loại….

3. Dàn bài

Để bổ túc khiếm khuyết nói trên, xin đề nghị một chương trình tạm gọi là những giá trị nhân bản Kitô giáo, dựa theo những nét căn bản trong lịch sử ơn cứu độ và dựa theo chính những điều khoản căn bản trong kinh Tin Kính.

  1. Vị thế con người
  2. Sống với
  3. Thái độ “nghèo khó”
  4. Khiêm tốn Kitô giáo
  5. Trung tín Kitô giáo
  6. Yêu thương vị tha
  7. Dấn thân
  8. Tự do Kitô giáo
  9. Sáng tạo cuộc đời như một nghệ thuật
  10. Ước mơ trọn vẹn

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com