[ĐMX72] Huynh Đệ Đa Minh

09-06-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1446 lượt xem

__Giuse Nguyễn Thái Hậu__
Con ước chi tất cả anh em trong Dòng – đặc biệt là những anh em đang chập chững những bước đầu tiên như con – có thể thấu hiểu được ý định ban đầu của cha, cảm nghiệm được những giá trị to lớn mà đời sống cộng đoàn mang lại cho người tu sĩ, và nhất là hiểu được mối dây liên kết chặt chẽ giữa đời sống cộng đoàn và đời sống cầu nguyện.

Kính gửi cha Đa Minh,
người cha đầy kính yêu của con,

Con viết thư này gửi Cha khi con đang theo đuổi con đường tu trì mà Cha đã gầy dựng cách đây hơn 800 năm. Đó là Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Cha biết không, con bắt đầu có những trải nghiệm hoàn toàn mới về đời sống Đa Minh, đặt biệt là trong đời sống cộng đoàn – cho dù con mới đang ở giai đoạn Tiền tập thôi! Cha ơi! Con đã cảm nhận được phần nào niềm vui, hạnh phúc và những ơn ích mà chỉ có đời sống cộng đoàn mới mang lại. Hạnh phúc lắm Cha ơi! Tuyệt vời lắm Cha ơi!

Điều tất nhiên là con không sống ở thời điểm Dòng khai sinh, giá như con được hiện diện trong thời điểm đó thì thật là hạnh phúc biết bao! Nhưng thông qua sách vở và đời sống thực tế trong nhà Dòng, con đã hiểu được chút ít lý do vì sao Cha chọn đời sống cộng đoàn là đặc trưng của nhà Dòng và là yếu tố đứng trước cả vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh cũng như học hành. Đời sống cộng đoàn là một trong “tứ trụ” của linh đạo Đa Minh.1 Trong Dòng Đa Minh, không ai có vai trò chủ chốt kiểu viện phụ Biển Đức, cũng không ai có quyền hành bề trên kiểu Dòng Tên, mà Dòng phụ thuộc vào tư cách, phẩm chất của từng thành viên trong cộng đoàn. Con cũng hiểu rằng vì Cha muốn tái hiện lại hình ảnh của Thầy Giêsu và các môn đệ cũng như làm sống lại đời sống của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem thời kỳ tiên khởi (x. Cv 2,44; 4,32-35). Vì vậy mà đời sống cộng đoàn Đa Minh được xây dựng trên hai yếu tố: sống chung dưới một nhà và nhắm đến sự đồng tâm nhất trí.

Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa.2

Và Cha muốn đời sống cộng đoàn là nơi anh em sẽ cùng nhau hoàn thành sứ vụ, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau học hành, v.v.. Chắc chắn, đời sống cộng đoàn nơi Nhà Dòng còn là hoa trái Cha gặt hái được từ bản tu luật của thánh Âu Tinh mà chính Cha đã chọn. Quả thực, đời sống ấy là thực tại báo trước “Hội thánh khải hoàn” bên Nhan Chúa.

Con thiết nghĩ rằng, thật là nguy hiểm khi có bất kỳ điều gì đó ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đoàn và làm cho đời sống cộng đoàn giảm sút. Hơn nữa, con cũng biết rằng tên Cám Dỗ sẽ không để cho nếp sống huynh đệ của tu sĩ diễn ra tốt đẹp và chúng sẽ tìm mọi cách để quấy phá. Chúng lợi dụng nhược điểm là sự yếu đuối của các tu sĩ để phá hủy đời sống tốt đẹp này. Việc nghiêng chiều theo những yếu đuối là đầu mối, căn nguyên của nhiều hiểm họa khác. Cá nhân tu sĩ thiếu sự thăng tiến đời tu sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống cộng đoàn và làm cho nếp sống ấy sa sút.3.

Cha ơi! Chắc Cha cũng biết rõ rằng: Nếu như sức mạnh ơn Chúa giúp con người vượt qua và lướt thắng mọi cám dỗ như thế nào, thì sự yếu đuối của con người lại làm cho họ dễ dàng thuận theo sự cám dỗ của ma quỷ như vậy. Thánh Phê-rô cũng đã cảnh báo chúng con về sự cám dỗ của ma quỷ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5, 8-9a.) Người đi tu thì bị cám dỗ nhiều hơn, và những cám dỗ này cũng tinh vi hơn. Hành trình tiến về Thiên Quốc là cuộc chiến đấu không ngừng với những cám dỗ. Nhưng trớ trêu thay sự yếu đuối của con người, nhiều lúc, lại làm cho họ chùn bước, đầu hàng trước những “quyến rũ” đó. Cha ơi, thật đáng buồn là chúng con thường mong muốn những gì là dễ dãi, thoải mái, muốn đi “con đường rộng”, mà thậm chí ngay cả khi chúng con đã bước vào đời sống tu trì. Thầy Giêsu Chí Thánh đã cảnh báo và dạy rằng: Con đường rộng sẽ dẫn tới sự diệt vong và cái chết, chỉ con đường hẹp mới dẫn tới sự sống đời đời (x. Mt 7,13-14). Đời sống cộng đoàn chính là “con đường hẹp”. Nhưng sự yếu đuối lại luôn “dụ dỗ” người tu sĩ rời xa con đường hẹp và nó lôi kéo họ vào con đường rộng. Sự thường, khi chỉ nhìn thoáng qua những ảnh hưởng của việc chiều theo sự yếu đuối, sẽ thấy chúng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống cộng đoàn, có chăng thì chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân của người tu sĩ. Nhưng quả thực, nếu xem xét kỹ hơn sẽ thấy, chúng phá hoại và ngăn cản người tu sĩ sống bác ái với anh em. Chúng ngăn bước người tu sĩ thực hành nếp sống cộng đoàn. Và càng nguy hại hơn nữa nếu chúng được lặp lại nhiều lần và trở thành thói quen của người tu sĩ!

Con biết rằng, ngay từ khi mới lập Dòng, Cha là mẫu gương và nơi Cha có các đức tính cần thiết cho đời sống cộng đoàn, như lời tu sĩ Amidiô Milanô – một anh em cùng thời, đã làm chứng trong án phong thánh cho Cha:

Cha Tổng quyền Đa Minh là một người khiêm nhường và hiền lành, kiên nhẫn và tử tế, trầm lặng, thanh thản và khiêm tốn. Người luôn chín chắn trong mọi hành động và lời nói của mình; cha Đa Minh luôn là người an ủi đầy lòng thương cảm đối với tha nhân, đặc biệt đối với anh em của người.4

Con kể ra những điều này là không cần thiết với Cha nhưng nó lại hữu ích cho chính con, nhắc nhớ con rèn luyện những đức tính cần thiết cho tình huynh đệ. Hơn thế nữa, không chú đến việc nên thánh của bản thân, Cha còn luôn cầu nguyện và giúp anh em có thể từ bỏ những tật xấu để xứng đáng hơn với ơn Chúa kêu gọi.5 Cha ơi, quả không sai khi nói sự yếu đuối của con người là đầu mối phát sinh và nuôi dưỡng nết xấu: nóng nảy, ghen ghét, chia rẽ, vu khống, nói xấu, trả thù, v.v.. Những nết xấu ấy không chỉ phá hủy bản thân người tu sĩ mà còn là hiểm họa cho đời sống cộng đoàn tu trì. Chúng là nguyên chính làm mất đi “sự đồng tâm nhất trí” của cộng đoàn mà chính Cha đã khởi sự ban đầu.

Cho dù theo đuổi ơn gọi tu trì trong đoàn sủng của dòng nào đi nữa thì mục đích tối hậu của người tu sĩ là trở nên giống Chúa, làm sống động hình ảnh Đức Kitô nơi bản thân mình vốn được tẩy sạch và thánh hiến cho Thiên Chúa. Để đạt đến mục đích ấy, người tu sĩ như các Kitô hữu khác, làm cho bản chất thánh thiêng của mình phát sinh hoa trái, tức là rèn luyện các đức tính nhân bản và Kitô giáo. Con không dám tưởng tượng hình ảnh một người tu sĩ thiếu đi những nhân đức cần thiết trong một cộng đoàn thì sẽ như thế nào? Họ không những làm mất đi cơ hội kín múc được những ích lợi của đời sống cộng đoàn, hơn nữa lại còn là gánh nặng và cớ cho những anh em khác trong cộng đoàn phạm tội.

Thánh Phao-lô Tông Đồ dân ngoại đã viết trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma rằng: “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân.” (Rm 5,19). Vì cùng có nguồn gốc tổ tiên là ông bà Ađam và Eva nên không ai nằm ngoài hậu quả của tội nguyên tổ để lại – sự yếu đuối, hèn yếu – kể cả người đó đã được thánh hiến đặc biệt cho Thiên Chúa. Có người nói với con rằng: Chẳng phải Thiên Chúa đã đặt người tu sĩ vào thế bí hay sao khi mà người tu sĩ vừa phải sống đời sống cộng đoàn với sự rèn luyện “khắt khe” và họ vừa mang trong mình hậu quả của tội nguyên tổ? Nhưng riêng bản thân con thì lại không có chút hoài nghi nào về điều này khi con đã tìm được câu trả lời của mình qua giáo huấn của Hội Thánh cũng như những nhân chứng là chính Cha và còn nhiều anh em khác nữa trong Dòng, những người đã đi trước con. Vì yêu thương con người nên Thiên Chúa đã không bỏ rơi, Thiên Chúa ban ân sủng và sức mạnh để con người có thể chiến thắng được sự yếu đuối. Thánh Lêô Cả có nói: “Điều chúng ta nhận được nhờ ân sủng khôn tả của Đức Kitô cao cả hơn điều chúng ta bị mất vì sự ghen tương của ma quỷ” (GLTHCG, số 310). Và thánh Tôma Aquinô nói: “Không có gì ngăn cản bản tính loài người, sau tội lỗi, lại được nâng lên một mức cao hơn…” (GLTHCG, số 310). Chẳng có sức mạnh trần thế nào có thể giúp chiến thắng được sự yếu đuối và cám dỗ của ma quỷ, mà chỉ có ơn sủng của Thiên Chúa thông ban qua các bí tích. Và Người còn sẵn lòng trao ban cho con cái mình những ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Thông qua lời kể của các nhân chứng, con biết rằng cha không chỉ sốt sắng khi cử hành bí tích với anh em, mà còn “thường thức suốt đêm chìm đắm trong cầu nguyện với nước mắt tuôn rơi.”6 Hơn thế nữa, cha còn cầu nguyện bằng với toàn thể con người của mình: trái tim, trí óc, thân xác, tâm tình, cử chỉ, hành động, v.v.. Cha cầu nguyện liên lỉ để kết hiệp thâm sâu với Chúa, cũng như cầu nguyện cho anh em. Như thế, qua đời sống chuyên chăm cầu nguyện của mình, cha đã giúp con hiểu ra rằng cách thế để ân sủng của các bí tích không ngừng phát sinh hoa trái là chuyên cần cầu nguyện – gặp gỡ cá nhân với Chúa. Và bây giờ con cũng đã hiểu tại sao cha lại đặt cầu nguyện là yếu tố thứ hai trong bốn trụ cột của Dòng theo sau đời sống cộng đoàn, vì cầu nguyện không những cần thiết cho việc nên thánh của bản thân,7 mà còn cần thiết để xây dựng sự hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn.

Thưa cha, con ước chi tất cả anh em trong Dòng – đặc biệt là những anh em đang chập chững những bước đầu tiên như con – có thể thấu hiểu được ý định ban đầu của cha, cảm nghiệm được những giá trị to lớn mà đời sống cộng đoàn mang lại cho người tu sĩ, và nhất là hiểu được mối dây liên kết chặt chẽ giữa đời sống cộng đoàn và đời sống cầu nguyện. Con xin Cha, cùng với Đức Maria – Đấng Bảo Trợ Dòng, tiếp tục chuyển cầu cùng Chúa để con sống trọn vẹn ơn gọi của con, đặc biệt là trong đời sống cộng đoàn, để chúng con cùng nhau hoàn thành sứ vụ giảng thuyết và càm nếm được Hội thánh Thiên quốc đã khởi đầu ở trần gian này.

Con cúi đầu chào kính Cha trong Ba Ngôi Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Maria Mân Côi Rất Thánh !

Từ khóa: , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com