HỒI TÂM MÙA VỌNG 2023 – “TỈNH THỨC, CHỜ ĐỢI VÀ HY VỌNG.”

04-01-2024
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 462 lượt xem

HỒI TÂM MÙA VỌNG

TỈNH THỨC, CHỜ  ĐỢI VÀ HY VỌNG

Phêrô Lê Văn Cao

Mùa Vọng là thời gian chúng ta mừng biến cố Đức Kitô đến trần gian lần thứ nhất để cứu chuộc nhân loại chúng ta; Mùa Vọng cũng là dịp để mỗi người trong chúng ta thêm một lần hồi tâm hoán cải chờ đợi lần trở lại của Đức Kitô trong ngày cánh chung. Do đó, tâm tình chung của người tín hữu sống Mùa Vọng là tỉnh thức và chờ đợi trong hi vọng hân hoan.

Để giúp anh em Thỉnh sinh có những khoảng lặng chuẩn bị đón mừng ngày Thánh rất đáng vui mừng ấy, Thỉnh viện Đa Minh Việt Nam tổ chức giờ “Hồi tâm Mùa Vọng” cho anh em Thỉnh sinh nội trú cũng như ngoại trú vào sáng Chúa nhật ngày 10 tháng 12 năm 2023, Chúa Nhật II Mùa Vọng, do Cha giảng phòng Đaminh Nguyễn Thanh Tú, O.P hướng dẫn.

Lần tĩnh tâm này có sự hiện diện của nhiều anh em Thỉnh sinh ngoại trú cùng tề tựu về Thỉnh viện hiệp thông với anh em nội trú. Lúc 8g30, anh em tập trung tại nguyện đường Tu viện và chuẩn bị lắng đọng tâm hồn.

Để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn trời.

Nguồn hạnh phúc cho con người mùa cứu rỗi cho mọi nơi.

Đó là những câu hát trong bài ca “Để Chúa Đến”, cũng là lời cầu nguyện bắt đầu giờ tĩnh tâm. Lời bài hát ấy đã nói lên tâm tình của Mùa Vọng, tâm tình chờ Chúa đến: Chúa đến trong cuộc đời và cứu rỗi nhân loại.

Tỉnh Thức và Chờ Đợi

Mở đầu bài giảng, cha Đa Minh đã chia sẻ về ý nghĩ và tinh thần của buổi Hồi Tâm Mùa Vọng. Trước hết, Cha đã nêu lên ý nghĩa của Mùa Vọng hầu giúp anh em hiểu và sống tâm tình Mùa Vọng thật xứng đáng. Mùa Vọng là thời gian để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa với đích điểm gần là Lễ Giáng Sinh. Đây cũng là dịp để chúng ta tưởng niệm việc Chúa đến trong sự khiêm hạ của thân phận loài người.

Tuy nhiên, Mùa Vọng không phải là một biến cố xảy ra một lần rồi qua đi, nhưng đó là dấu chỉ tình yêu cao cả mà Thiên Chúa đến với loài người. Không chỉ dừng lại ở biến cố xảy ra hằng năm đấy, chúng ta còn hướng đến ngày Đức Ki-tô trở lại lần thứ hai trong cuộc phán xét cuối cùng. Vì vậy, Mùa Vọng là thời gian mời gọi mỗi người chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa với hy vọng gặp được Ngài.

Tình Yêu của Thiên Chúa

Chủ đề mà Cha Giảng phòng đã chọn để chia sẻ với anh em Thỉnh sinh trong buổi Hồi Tâm hôm nay là “TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA TRONG MẦU NHIỆM NHẬP THỂ”. Con người được dựng nên trong tình trạng thánh thiện, được hưởng nếm đặc ân tình yêu và sự sống nơi Đấng Tạo Hóa. Thế nhưng, con người đã phản bội tình yêu của Thiên Chúa, lạm dụng sự tự do mà Thiên Chúa đã ban cho họ mà có hành vi bất tuân lời Ngài. Và do đó, hậu quả của sự bất tuân là tội lỗi, đau khổ và sự chết lẻn vào thế gian. Cũng từ đó, mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa bị đổ vỡ; tương quan giữa con người với nhau cũng gặp khó khăn trở ngại; và cả tương quan giữa con người với các thụ tạo khác cũng bị rơi vào tình trạng bất hoà.

Vì tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng nên con người; thì cũng vì yêu, Ngài đã không bỏ rơi con người cho dù con người đã từ chối tình yêu ấy. Vì thế, kế hoạch cứu độ nhân loại đã được Thiên Chúa thực hiện qua việc Ngôi Lời Nhập Thể làm người trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria. Dựa trên đoạn Tin mừng Ga 1, 1-18 được đọc trong buổi hồi tâm, cha giảng phòng đã giúp Thỉnh sinh có cái nhìn rõ nét hơn về Mầu Nhiệm Nhập Thể. Ngôi Lời là Thiên Chúa chí thánh, chí tôn; nhưng đã mặc lấy thân phận người phàm và trở nên giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tỗi lỗi. Ngôi Lời ấy chính là Đức Giêsu Kitô, sinh ra nơi máng cỏ hang lừa. Thánh Gioan Tông đồ đã phác họa một cách trung thực về tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).

Thỉnh sinh Đa Minh sống Mầu Nhiệm Nhập Thể

Đức Giêsu đã không khinh chê cuộc đời này, trái lại Ngài đi vào trần gian, mặc lấy thân xác con người và sống với chúng ta. Trong ý hướng đó, cha giáo Đa Minh mời gọi anh em Thỉnh sinh sống Mầu nhiệm Nhập Thể nơi ngôi nhà Thỉnh viện, để chia sẻ trọn vẹn đời sống với anh em, noi theo gương Đức Giê-su. Thánh sử Gioan nói: “Ngôi Lời đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1,11). Cha giảng phòng cũng mời gọi anh em cùng tự vấn bản thân bằng những câu hỏi: Mình đã đón Chúa vào “ngôi nhà” của mình hay chưa ? Mùa Vọng này chúng ta đã chuẩn bị gì để Thiên Chúa bước vào “ngôi nhà” của mình ? Chúng ta có sẵn sàng dọn dẹp, sửa đổi nó không?

Qua những câu hỏi trên, anh em Thỉnh sinh được mời gọi thanh luyện mình khỏi những bi quan của cuộc sống,và chúng cũng khơi lên những hy vọng vì cuộc sống này đáng để chúng ta hy vọng. Để cho ngôi nhà tâm hồn được đổi mới mỗi ngày, chúng ta cần tránh xa những đam mê thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng đến đời sống tu trì. Chúng ta cần tập từ bỏ cái gọi là “não trạng thế gian”, coi trọng tiện nghi, khoái lạc và của cải. Ông Gioan Tẩy Giả chính là mẫu gương của sự từ chối này. Ngài là một con người khắc khổ, từ bỏ sự dư thừa. Sự khiêm hạ của ông Gioan Tiền hô đã được thể hiện qua lời rao giảng và làm chứng của ngài về Ngôi Lời: “Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1,15). Trên hành trình theo Đức Kitô, người Thỉnh sinh cũng được mời gọi trở nên tự khiêm, tự hạ để can đảm từ bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới trong Đức Giê-su Kitô. Để kết thúc bài chia sẻ, một lần nữa cha Đaminh nhắc nhở anh em suy tư về những câu hỏi đã được gợi ra, và ý thức rằng mình là người nhà của Thiên Chúa.

Sau bài chia sẻ, anh em Thỉnh sinh có thời gian riêng để suy gẫm về những điểm mà Cha giảng phòng đã gợi ý và chuẩn bị tâm hồn bước vào Thánh lễ. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nêu bật lên “tiếng hô” trong hoang địa: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi.” (Mc 1,3). Tiếng hô đó là của ông Gio-an Tẩy Giả, người đã xuất hiện trong hoang địa để kêu gọi người ta chịu phép rửa và tỏ lòng sám hối. Tuy nhiên, nhưng ơn cứu độ thật sự không đến tiếng hô đó và cũng không đến từ ông Gio-an Tẩy Giả. Chính ông Gio-an đã khiêm tốn và xác nhận điều đó: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Mc 1,7).

Tiếp theo buổi hồi tâm là Thánh lễ. Trong bài giảng, cha Giám đốc Thỉnh viện, fr. Đa Minh Nguyễn Hữu Cường O.P., mời gọi anh em Thỉnh sinh nội trú cũng như ngoại trú suy nghĩ về hình ảnh của vị Tiền hô, người đã dọn đường cho Đấng Mêsia. Cha mong rằng trong cõi lòng của mỗi anh em đều có một ngọn lửa yêu mến ơn gọi tu trì. Nhờ ngọn lửa đấy chuẩn bị cho mỗi anh em trở thành những người dọn đường cho Đức Chúa. Và trong tương lai, Thỉnh sinh là những tu sĩ, linh mục loan báo Thiên Chúa cho người khác. Cha nhấn mạnh với anh em, là những người đang bước theo Đức Ki tô theo linh đạo Đa Minh, hãy chuyên tâm học hỏi và đào sâu về linh đạo Đa Minh, không phải chỉ cho riêng mình nhưng còn để có thể nói với người khác về nếp sống Đa Minh.

Cuối cùng, Cha dùng hình ảnh về người thợ xây để nhắn nhủ anh em: “Mỗi Thỉnh sinh là một thợ xây cho ơn gọi của đời mình. Chính mỗi người phải tự xây cho mình một nền tảng vững chắc về ơn gọi bao gồm: nhân bản, đức tin, đời sống huynh đệ và tri thức.”

Hồi tâm Mùa Vọng là dịp để anh em Thỉnh sinh sửa soạn tâm hồn mình để mừng Mầu Nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người. Qua đó, mỗi anh em được mời gọi can đảm từ bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô, khiêm tốn sống Mầu nhiệm Nhập Thể như chính Người đã mặc lấy thân phận loài người. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để mỗi Thỉnh sinh nhìn lại hành trình mà mình đang bước theo Đức Kitô, luôn mở cõi lòng mình ra để mời Chúa đến với mình trong chính đời sống hàng ngày.

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com