[ĐMX73] Tôi, Anh, và Chúng Ta !

19-06-2020
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 2886 lượt xem

_Tôma Lê Dương Thành Trí_
Sự liên đới đích thực chỉ có được khi tôi và anh đều được nâng đỡ, được tự do và luôn sống trong ý thức thuộc về, tức là sống thái độ chấp nhận bỏ mình để thuộc về nhau, thuộc về cộng đoàn.

Gửi anh, người tôi thương mến!

Bước chân vào Nhà Dòng đối với tôi là bước vào một hành trình mới, vừa lạ vừa quen. Lạ lẫm ở cái mới của môi trường sống, của những kỷ luật và của những người sống cùng, sống với. Thân quen ở chỗ có vẻ như tôi đang dần dà từng bước trên con đường đến cùng đích của đời mình – bước vào tương quan mật thiết hơn với Đấng tôi đã biết, đã nghe và đã được giảng dạy.

Tôi đã nghĩ rằng, đi tu như là bước lên ‘một chuyến xe’ mà chính những người trong đó có cùng điểm đến với mình. Tôi, anh, và họ sẽ cùng đồng hành trong một chặng đường dài. Vì thế tôi hăng hái và phấn khởi chuẩn bị cho một ‘tour du lịch’ dài hạn của mình, và hầu như không bỏ sót một thứ gì trong ‘danh sách vật dụng’ dài nhiều trang giấy mà tôi đã liệt kê trước đó. Mọi thứ đã sẵn sàng cho một cuộc hành trình. Tôi, anh cũng như bao người anh em khác đã bước lên chiếc xe mang tên “Cộng đoàn”. Chỗ ngồi trên chuyến xe này đã được sắp xếp cẩn thận. Mọi người ai nấy đều phấn khởi. Tiếng nói, tiếng cười của những câu chuyện xã giao, những thao thức trăn trở làm cho bầu khí trong chuyến xe thêm phần sinh động.

Bất cứ nơi nào, nếu đã là một tập thể thì chắc chắn sẽ có những quy định để giúp đời sống chung trở nên khuôn mẫu và trật tự. Trong cuộc hành trình này chúng tôi cũng được học hỏi những quy định, luật lệ. Tất cả cũng chỉ vì lợi ích chung, vì thiện ích. Tôi nghĩ đời sống tập thể không chỉ để duy trì sự hoạt động đồng bộ và ổn định, mà còn tạo được sự bình an cho từng thành viên trong cộng đoàn.

Tôi sống lối sống rập khuôn, chán nản !

Nhưng không may thay, chính sự an nhàn trong khuôn khổ đã được quy định là điều làm tôi cảm thấy không an toàn. Càng ngày, tôi càng cảm thấy những hành khách này quá xa lạ với tôi, những quy định này chỉ đọc và nghe thôi thì xuôi tai biết mấy. Tôi nhận ra dường như bản thân chưa đủ can đảm vượt qua những thành kiến, những tập quán và dư luận để tiếp nhận cái mới. Tôi bước lên chuyến xe với bao nhiệt huyết, tâm tư để rồi giờ đây sự giao thoa giữa tôi và những quy định đó rất mong manh. “Phải ép khuôn bản thân mình thôi!” – tôi tự nhủ với bản thân trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bao nhiêu lòng nhiệt thành thuở ban đầu của tôi đã đóng băng, bao nhiêu hoài bão bị chôn vùi trong cái tẻ nhạt của luật lệ, bao nhiêu tâm huyết đã bị tan loãng trong đòi hỏi của nghĩa vụ thường ngày. Thông thường, lý trí sẽ thúc đẩy hành động. Nhưng chỉ dừng lại ở hành động mà thôi, con người dễ sa vào một khuôn mẫu được lập trình sẵn. Chưa hiểu rõ thì làm sao hành động một cách có thiện chí? Kết cục là tôi điều khiển bản thân theo chương trình mặc định mà không có niềm tin, ý chí và kinh nghiệm. Tôi gọi nó là sự rập khuôn. Tôi là một sản phẩm tồn tại một cách vô tri vô giác bên cạnh anh và những người khác. Tương quan giữa tôi và anh trong cộng đoàn dần trở thành mối tương quan bất hỗ tương. Tôi chỉ cố gắng chu toàn phận vụ được giao và hoàn thành các sinh hoạt của cộng đoàn một cách đầy đủ mà không cần biết anh nghĩ gì, cảm thấy thế nào. Trên cùng cuộc hành trình, dường như tôi và anh chỉ gặp gỡ nhau trong công tác mà không thể gặp chính con người của nhau. Tương quan đó dẫn đến việc cố gắng trau chuốt công việc hơn là phát triển con người. Dường như thái độ sống của tôi chỉ nỗ lực tuân giữ những giờ giấc sinh hoạt theo kiểu là một thói quen, mà thiếu đi sự dấn thân mỗi ngày để làm cho đời tu đạt tầm mức trưởng thành. Tôi sống một cuộc sống chưa trọn vẹn. Làm thế nào để tôi có thể dung hòa?

Tôi sống cách sống tự vệ !

Một sự rập khuôn khác mà tôi mắc phải là sự tự vệ. Bất kể hành trình nào, sự an toàn được người tham gia đặt lên hàng đầu như thể là một nhu cầu thuộc bản năng. Vì thế, khi bị đe doạ, tôi lập tức tự vệ bằng mọi cách. Đôi khi tôi không thể đối diện với anh, với sự thật, không dám nói lên chính kiến của mình hay sẵn sàng đối thoại với anh, thay vào đó, tôi cho qua với ý nghĩ “Sao cũng được”, “Một câu nhịn, chín câu lành”. Tôi sẵn sàng tuân thủ răm rắp các nội qui kỷ luật và gồng mình tham gia đầy đủ các sinh hoạt cộng đoàn để có được ‘tấm vé’ an toàn đi tiếp con đường phía trước. Tôi nghĩ chính vì tôi quá ‘nệ luật’ và ‘sợ luật’ nên tôi chưa thực sự trưởng thành, trái lại, chỉ tạo được một số thói quen và quán tính tự vệ để đối phó với tình thế mà thôi.

Lắm lúc tôi tự nghĩ, không chỉ vì tôi sống quá rập khuôn, mà tôi vẫn chưa thể thoát khỏi cái nôi của chính mình. Tôi chỉ muốn sống cho tôi, sống an toàn, sống không va chạm. Tôi không dám thẳng thắn nhận những khuyết điểm, yếu kém của mình chỉ vì tự ái. Chính vì thế, tôi tìm cách đổ lỗi cho anh, cho hoàn cảnh, cho phận người. Tại sao tôi không bao giờ cho phép mình tỏ ra là một con người yếu đuối với những hạn chế và khuyết điểm, mà luôn khoác cho mình một cái mặt nạ hoàn hảo? Vì sĩ diện, tôi che giấu con người thật nhiều yếu kém, nết xấu của mình. Tôi chỉ khoe bộ mặt ảo, bộ mặt mà nhiều người cho là vô tội và đáng kính.

Tôi tự cao, tự đại !

Tôi, anh là những người cùng chung hành trình, lí tưởng, thiết nghĩ ta nên thẳng thắn và chân thành với nhau. Nhưng không. Tôi và anh khác nhau quá! Tôi không thể chấp nhận một người lúc nào cũng vui tươi, cũng “dạ dạ, vâng vâng” như anh! Điệu bộ, cử chỉ, cách giao tế của anh như thể là cái gai trong mắt tôi. Không biết từ lúc nào, tôi thường nhìn anh bằng quan niệm và thành kiến của riêng tôi và dễ có xu hướng điều khiển người khác suy nghĩ về anh theo lối nhìn đó. Không dừng ở đó, lắm lúc tôi lấy bản thân mình làm thước đo, làm tiêu chuẩn để đánh giá anh. Sâu xa hơn, chính là tôi không muốn tôn trọng cá tính, nét đặc biệt của anh. Nhưng ngược lại, nếu anh có những suy nghĩ trái với tôi, thì tôi cho rằng anh thiển cận, suy bụng ta ra bụng người. Chẳng hạn, khi tôi phạm lỗi, anh chân thành nhắc nhở, thì ngay tức khắc tôi nghĩ rằng anh lên án và có ánh nhìn nghi kỵ, trong khi đó, anh lại hết lòng nâng đỡ tôi.

Tôi lúc nào cũng muốn tự sức mình khẳng định bản thân và coi mình là người vĩ đại. Cái tôi vĩ đại ấy bao trùm và chi phối mọi sinh hoạt đời sống. Vì tôi quá đề cao bản thân mà không còn tôn trọng anh nữa! Tôi dễ dàng đánh đổi bất cứ thứ gì hầu chiếm được mối thân tình và sự kính trọng của người khác, kể cả việc trù dập anh để tôi được tỏa sáng. Chính hành vi của tôi vô tình hoặc hữu ý tạo ra sự phân biệt, gây chia rẽ và bài xích anh ra khỏi cộng đoàn. Tôi là ai? Tôi không chỉ là cá thể, phản chiếu tính nội tại mà còn phải được đặt trong tương quan với tha nhân. Qua mối tương quan đó, bản thân tôi lại càng được phản ánh rõ nét hơn trong chính cái nhìn của tha nhân. Có lẽ tôi vẫn chưa ngộ ra là tôi không sống một mình nhưng là sống với, sống cùng người khác.

Tôi làm việc quá cầu toàn !

Tôi quá cầu toàn. Trong công việc, lúc nào tôi cũng tạo áp lực cho anh, đòi hỏi công việc phải chỉn chu, hoàn hảo, dù chỉ là những trục trặc hay sơ xuất nhỏ cũng không được để nó xảy ra. Nếu không đạt được thì tôi tỏ ra bực dọc, cau có, càm ràm. Trong cộng đoàn, cũng nên có những người cầu toàn để mỗi ngày đời sống trở nên hoàn thiện hơn chứ không phải một lối sống ì ạch, để cách làm việc có tổ chức và nhịp nhàng chứ không phải tác phong lè phè, lúng túng. Nhưng nếu tôi quá tham vọng xếp đặt mọi sự hướng đến sự hoàn hảo, mà không nhắm đến những nỗ lực phấn đấu của anh, dù cho đó là những công việc vặt vãnh bé nhỏ, thì cuối cùng tôi chỉ nhận được sự bất lực của chính mình, của anh mà thôi. Những khuôn mẫu hoàn thiện xuất hiện trong tư tưởng kết hợp với bản chất cầu toàn sẽ khiến tôi không biết mình là ai, lúc ấy, tôi lại đề ra những dự phóng vượt quá tầm với hơn là dấn thân triệt để sống tròn đầy giây phút hiện tại với tất cả tình yêu. Kết quả là tôi luôn sống trong tình trạng căng thẳng và đầy áp lực. Không những thế, tôi còn vô tình làm cho anh phải luôn phải căng thẳng vì những đòi hỏi cầu toàn của tôi. Tôi quên rằng tôi và anh chỉ thực sự trở nên hoàn thiện khi dám sống thực tế, không mơ mộng huyễn hoặc.

Tôi ghen tị !

Trong tôi có một sự mâu thuẫn kéo dài. Nếu anh làm những công việc nhỏ bé, tầm thường thì tôi tỏ thái độ khinh khi, dè bĩu, ngược lại, anh có được những thành tựu rực rỡ thì tôi lại có thái độ hậm hực, khó chịu. Một cảm xúc khó tả trong tôi khi thấy anh có những đặc điểm tốt đẹp, thành tích rực rỡ, và, tôi khao khát có được nó, hoặc mong muốn anh sẽ mất đi những điều tốt đẹp đó. Nếu lòng ghen tị của tôi chỉ ở mức độ ganh đua như một cảm xúc thoáng qua trong tâm trí, để rồi, nó như một động lực khiến tôi và anh phải cố gắng phấn đấu để mỗi ngày nên tốt hơn thì quả là may mắn; còn nếu lòng ghen tị ấy bị suy diễn tiêu cực qua lời nói và hành động khác thường thì đây là một điều đáng lo ngại. Có lẽ, tôi đã bị tiêm nhiễm nọc độc của ghen tị nên lời nói trở nên cay cú và đay nghiến. Chẳng hạn, khi đối diện với những điểm mạnh, những điều tốt đẹp nơi anh, tôi thường làm ngơ hoặc có chăng là khen ngợi một cách gượng gạo. Đôi khi tôi còn hạ giá hay phủ nhận khả năng thiên bẩm của anh nữa. Ghen tị như một thứ thuốc độc khiến tâm hồn tôi ra tăm tối, bệnh hoạn. Nó không để cho tôi được bình an nhưng khiến con tim luôn dằn vặt, đau đớn. Vì thế, có thể tôi bị nó điều khiển như một con rối, tìm cách đánh bật anh ra khỏi cộng đoàn, cho đỡ gai mắt. Còn đối với tôi, khi ghen tị với anh, vô tình tôi đã chạy trốn những giới hạn của mình, từ đó, tôi không có nguồn nội lực giúp vượt qua bản thân để lớn lên và trưởng thành. Hoặc, vì mải chăm chú học đòi những cái tốt đẹp của anh, mà tôi quên đi những khả năng thiên bẩm của mình để phát huy và cùng cộng tác trong sự đa dạng. Tôi tự phủ nhận những yếu tố làm nên tôi, mà chạy theo cái anh có, những cái mà làm cho tôi phải tỏ lòng ghen tị. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ghen tị là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, tôi và anh không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, cũng như sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy năng lực.

Nhưng, tôi ý thức được sự hiệp thông huynh đệ

Cuộc hành trình này có quá căng thẳng đối với tôi không? Tôi đã trưởng thành trong cuộc hành trình này hay chưa? Không phải chuyến đi xa cứ chạy mãi không ngừng, nó cũng cần tiếp thêm nhiên liệu. Tiếng bác tài phát loa thông báo “Đến trạm dừng chân” làm tôi bừng tỉnh. À thì ra phải có lúc dừng lại để tiếp thêm nhiên liệu, để bỏ đi mớ rác trên xe, để tinh thần thoải mái, để giãn gân giãn cốt. Thế rồi, tôi tỉnh táo hơn và nghĩ rằng những cảm xúc tiêu cực có nguyên nhân sâu xa là do chính tôi. Tôi thể hiện cái tôi ngông cuồng, kiêu căng, nên mới nảy sinh nhiều xáo trộn, làm đảo lộn trật tự cuộc sống của tôi và ảnh hưởng đến anh. Sống giữa một cộng đoàn đa dạng về nhận thức, văn hóa, tính cách, tôi dễ sinh ra bảo thủ, ích kỷ, đố kỵ và đặc biệt là chỉ trích anh. Làm sao những khác biệt trở thành những bông hoa muôn màu muôn vẻ tạo nên sự phong phú cho cộng đoàn thay vì cản trở sự thăng tiến?

Tiên vàn, tôi và anh phải chấp nhận một sự thật là bất luận một cộng đoàn hay tổ chức nào thì cũng đều có những khác biệt, có những căng thẳng. Không phải lúc nào việc che giấu những căng thẳng, giả vờ như không có chúng, nguỵ trang chúng bằng nét mặt tươi cười, hay chạy trốn thực tại và né tránh đối thoại là cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để được bình an và vui tươi trong bậc sống đó. Chính việc tôi và anh dám sống với con người thật gồm những yếu đuối mỏng giòn của mình, nhưng luôn thiết tha vươn lên nhằm hoàn thiện bản thân, là cách làm chứng sống động cho bậc sống tôi và anh đang theo đuổi, cho sự hiện diện thần thiêng của Thần Khí trong đời sống cộng đoàn, khởi đi từ anh và tôi.

Trước hết, tôi phải chấp nhận rằng chính mình yếu đuối, bất toàn để có thể vươn tới sự hoàn thiện và đồng thời cảm thông với những giới hạn của anh. Ý thức này giúp tôi và anh sống đúng phẩm giá con người, sống như một nhân vị và một nhân cách trưởng thành. Mỗi khi nhận ra được con người mình và xác tín ơn gọi của mình, tôi và anh sẽ không còn giả vờ, không còn đóng kịch hay đeo mặt nạ mà dám đối diện với sự thật và vươn lên không ngừng. Việc tự ý thức về giá trị bản thân và trách nhiệm với cộng đoàn, giúp tôi và anh sống thực tế, có ý nghĩa, có mục đích và hướng đến những quyết định tích cực. Chính sự ý thức về giới hạn, tôi có thể dễ dàng đón nhận anh, mở lòng ra với anh và giúp tôi sống phong phú cuộc đời mình. Anh và tôi hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận chúng ta. Trong cuộc hành trình ơn gọi đời mình, tôi sẽ thực sự lớn lên trong tương quan với anh với cộng đoàn, và ngược lại. Vì thế, chính tôi và anh là sự khởi đầu của tiến trình đào luyện.

Việc dám đối diện với anh trong giao tế hàng ngày là một cách dễ dàng nhất đón nhận những khác biệt. Trên cuộc hành trình này, tôi không phải là một, là duy nhất. Vì thế, việc nhìn nhận sự bất toàn của tôi cho tôi biết rằng nhờ anh, tôi mới thấy được chỗ khuyết thiếu của mình và cũng nhờ anh, tôi mới có thể làm tròn lại chỗ khuyết thiếu ấy. Từ đó, một cộng đoàn đích thực được xây dựng trên cá tính độc đáo của cả anh và tôi. Tôi và anh chỉ có thể hình thành nhân cách của mình trong sự liên đới với nhau và mọi người. Vì thế, chúng ta chỉ thực sự hoàn thành vận mạng đời mình và hoàn thiện nhân cách của mình trong tương quan với người khác.

“Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau” (Ep 4,2.32). Không chỉ đón nhận sự khác biệt của nhau như một sự bắt buộc, ân cần lắng nghe với cả con tim chân thành, mà tôi và anh cần đặt mình vào hoàn cảnh, văn hóa và sự hiểu biết của nhau. Đó là cách chúng ta có thể hòa mình vào trong thế giới kinh nghiệm của nhau một cách sống động hơn, và điều tất nhiên là chúng ta sẽ cảm, hiểu và chịu được những gì đối phương đã và đang đối mặt. Từ đó, ta sẽ sẵn sàng thương xót và tha thứ cho nhau. Đó chính là những món quà, những hồng ân của đời sống cộng đoàn mang lại cho chúng ta.

Composer : Gioak Quỳnh — Guitarist : Giuse Nhơn — Singer : Tôma Trí

Sự hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn được thiết lập như một biểu hiện sự hiệp thông các Ngôi Vị Thiên Chúa. Vì thế, cộng đoàn huynh đệ cũng là một mầu nhiệm diễn tả tương quan Ba Ngôi và thông dự vào đời sống của Ba Ngôi. Sự liên đới đích thực chỉ có được khi tôi và anh đều được nâng đỡ, được tự do và luôn sống trong ý thức thuộc về, tức là sống thái độ chấp nhận bỏ mình để thuộc về nhau, thuộc về cộng đoàn. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được sự thuộc về như một sự kết dính thiêng liêng và trần thế, lúc đó chúng ta sẽ càng gắn bó và yêu thương cộng đoàn mà không còn mang ý định loại trừ một ai. Tôi và anh “hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10), nghĩa là, cần nhìn ra giá trị, tầm quan trọng của từng thành viên trong cộng đoàn. Nếu cộng đoàn không còn khả năng quy tụ và đón nhận những giá trị khác biệt thì cộng đoàn sẽ trở nên nghèo nàn và ẩn tàng khả năng loại trừ nhau. Nhưng thực tế, chính trong cộng đoàn, lề luật và đời sống thiêng liêng là môi trường hữu hiệu giúp tôi và anh có cơ hội vươn đến sự trưởng thành trong nhân cách, lớn lên và thăng tiến từng ngày. Vậy, chúng ta hãy ý thức rằng chúng ta được hiệp thông với nhau đã là một hồng ân đặc biệt, vì thế hãy đồng tâm nhất trí trong sự đa dạng để xây dựng một nếp sống cộng đoàn huynh đệ, hiệp thông, hầu kín múc những điều thiện hảo và trở nên chứng tá sống động, hữu hiệu!

Cám ơn anh, cám ơn chúng ta vì đã giúp tôi nhận ra mình yếu đuối!

Cám ơn anh, cám ơn chúng ta vì đã không bỏ rơi tôi!

Tạ ơn Chúa, vì Người đã làm cho tôi, anh và chúng ta thêm mạnh!

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com