[ĐMX73] Phòng Ăn Nơi Tình Yêu Bắt Đầu

08-03-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1373 lượt xem

__Giuse Hờ A Tềnh__
Yếu tố cốt lõi làm cho phòng ăn của chúng tôi nên điểm hẹn lý tưởng, nên nơi chia sẻ sứ vụ chính là tình yêu huynh đệ.

“Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31)

Nhà ở có nhiều phòng, như là phòng ngủ, phòng khách, phòng tắm, v.v.. Đó là những nơi được xây dựng nhằm đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Trong số những nơi ấy, có một không gian được sắp đặt để phục vụ cho việc ăn uống, đó chính là phòng ăn. Theo quan niệm dân gian, phòng ăn là nơi đoàn tụ, sum vầy, chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống. Điều này được thể hiện rõ nét nhất mỗi khi xuân về, đó là nơi mà biết bao câu chuyện đầu năm được kể, biết bao lời chúc tốt đẹp nhất được dành cho nhau. Một cách nào đó, phòng ăn là chiếc cầu nối kết tình nghĩa người trong gia đình lại gần với nhau hơn, giúp các thành viên ngày một sống hạnh phúc hơn. Tại gia đình Thỉnh viện Đa Minh, phòng ăn cũng là không gian ăn, uống và chia sẻ tình nghĩa huynh đệ của cộng đoàn. Đó là nơi nuôi dưỡng anh em chúng tôi không chỉ về thể xác mà còn cả tinh thần và tâm linh, giúp chúng tôi có được sức khỏe tốt để học tập, có động lực để sống chứng tá ơn gọi của mình. Một cách nào đó, đối với các tu sĩ Đa Minh, cách riêng với anh em Thỉnh sinh, phòng ăn là điểm hẹn lý tưởng, là không gian chia sẻ đời tu cũng như sứ vụ, và hơn hết, phòng ăn là nơi tình yêu bắt đầu.

Phòng ăn, điểm hẹn lý tưởng của anh em

Thông thường, khi nhắc đến điểm hẹn, nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới một quán cà phê, một quán ăn, một nơi có phong cảnh đẹp, hay là một nơi nào đó lãng mạn. Nhưng với Thỉnh viện Đa Minh, điểm hẹn của anh em là phòng ăn, không gian cho anh em trò chuyện, ăn uống hằng ngày. Phòng ăn Thỉnh viện nằm phía sau nhà nguyện. Phòng ăn được thiết kế nằm cạnh nhà bếp và chỗ rửa chén để thuận lợi cho việc phục vụ, nấu nướng và ăn uống. Phòng ăn được bố trí với năm bàn tròn tạo thành hình cái nơ. Bàn giữa chính là nút thắt, gắn chặt bốn bàn còn lại, tạo thành sự kết nối anh em lại với nhau. Với cách sắp xếp này, anh em dễ dàng trò chuyện và ăn uống. Hình ảnh cũng gợi cho tôi về sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng là trung tâm của cộng đoàn, liên kết chúng tôi với nhau. Một ngày ba bữa, chúng tôi lại hẹn nhau nơi phòng ăn không chỉ để cùng ăn uống, mà còn chia sẻ nhiều điều với nhau. Chính tại nơi đây, những khúc mắc trong việc học cũng được trao đổi, những việc chung của cộng đoàn được góp ý, bàn luận. Chắc hẳn rằng khi sống xa quê, xa nhà thì ai cũng có nỗi buồn, những trăn trở và đôi khi như mất định hướng. Chính tại nơi đây những nỗi buồn và lo lắng ấy được vơi đi nhờ sự đồng cảm, chia sẻ của anh em khác, những lời chọc ghẹo, những chuyện hài hước, những tâm sự của anh em đã xua tan đi nỗi cô đơn, trở thành món ăn tinh thần cho đời tôi. Lại cũng chính nơi đây, nhiệt huyết ơn gọi được thôi thúc khi anh em chia sẻ cho nhau những động lực và hoài bão của đời tu. Vậy, phòng ăn đâu phải là nơi chỉ để ăn mà còn là nơi chia sẻ, nơi hẹn hò lý tưởng cho tôi và anh em sau đêm dài nghỉ ngơi, sau những giờ kinh nguyện sốt sắng hay sau giờ học căng thẳng.

Phòng ăn, không gian chia sẻ sứ vụ

Dù sống với ơn gọi nào, người Kitô hữu cũng đều đảm nhận một sứ vụ chung, đó là loan truyền Tin Mừng. Ngay khi được vào sống trong Thỉnh viện, anh em chúng tôi đã được đào tạo để chuẩn bị cho việc thực thi sứ vụ giảng thuyết sau này, bằng việc học các môn như Giáo lý, Anh văn, Việt văn, bằng những buổi chầu Thánh Thể hay chia sẻ Lời Chúa, v.v.. Việc đào tạo này không chỉ được thực hiện tại phòng học, thư viện hay nhà nguyện mà còn cả ở phòng ăn. Có thể nói phòng ăn cũng là một trong những không gian tuyệt vời cho việc lắng nghe Lời Chúa. Theo truyền thống được ghi trong tu luật thánh Augustinô, một anh em sẽ đọc Lời Chúa và sách thiêng liêng cho cộng đoàn nghe trong bữa ăn. Tại sao vậy? Vì trong khi cơ thể được bồi dưỡng bởi thức ăn vật chất thì linh hồn cũng cần những lương thực thiêng liêng phù hợp. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Bên cạnh đó, qua những câu chuyện tại bàn ăn, chúng tôi còn được học hỏi Lời Chúa từ cha Giám đốc, cha Phụ tá, và anh em khác. Chúng tôi còn học được nhiều kinh nghiệm thực tế, lời chỉ bảo, dạy dỗ và giải thích về nhiều khúc mắc. Điều này đã giúp cho tôi mở rộng kiến thức, và có những kinh nghiệm sống để theo bước chân thế hệ cha anh. Hơn thế nữa, phòng ăn cũng là nơi để anh em thể hiện tình yêu với ân nhân, thân nhân. Họ là những người, bằng cách này hay cách khác, cho chúng tôi của ăn nuôi dưỡng thân xác để có được sức khỏe tốt, cho chúng tôi động lực để vượt qua khó khăn trong đời tu. Đó là chú Phước bảo vệ, gia đình cô Cảnh nấu bếp cho tu viện và thỉnh viện. Đó còn là các thầy cô đã hy sinh đến giúp anh em học. Cuối mỗi bữa ăn, chúng tôi luôn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Chúa trả công cho những người đã làm ơn cho chúng con, vì Danh Chúa, được hưởng hạnh phúc muôn đời”.

Phòng ăn, nơi tình yêu bắt đầu của tôi

Có thể nói, nơi phòng ăn, lòng yêu mến ơn gọi và tình yêu giữa các anh em chúng tôi được khám phá ra mỗi ngày qua sự cảm thông chia sẻ chân thành. Trong ơn gọi Đa Minh, đời sống cộng đoàn là một trong những ưu tiên hàng đầu và cộng đoàn ấy chỉ có thể sống và phát triển khi chúng ta đặt tình yêu làm trung tâm. Do đó, yếu tố cốt lõi làm cho phòng ăn của chúng tôi nên điểm hẹn lý tưởng, nên nơi chia sẻ sứ vụ chính là tình yêu huynh đệ. Tự hỏi làm sao để có được tình yêu đó?

Anh em chúng tôi đến từ nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Chúng tôi chẳng phải họ hàng, cũng lại chẳng thân thiết gì với nhau trước. Như thế, có được tình yêu như anh em trong một gia đình rất khó phải không? Câu trả lời là không, bởi vì chúng tôi đến đây với cùng một chí hướng, một mục tiêu, và một lý tưởng, đặc biệt chúng tôi có một vị cha chung là thánh Tổ phụ, chúng tôi có chung một gia đình lớn là gia đình Đa Minh. Tại bàn cơm, những giây phút lắng nghe Lời Chúa, những câu chuyện hài, những lời tâm sự, v.v., đã cho tôi cảm nhận được tình yêu: tình yêu Thiên Chúa, tình yêu huynh đệ và tình yêu sứ vụ. Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu bao la, không có sự gò bó, không đòi đền đáp, đó là tình yêu của sự tự do. Tình yêu đó thật lớn lao, lớn hơn núi non đại dương kia, không tình yêu nào có thể sánh bằng tình yêu của Người. Chỉ nơi Người, tôi mới thấy được hạnh phúc đích thực; chỉ nơi Người, tôi mới cảm nghiệm được tình yêu chân chính; và cũng chỉ nơi Người, tôi mới có được sự sống đời đời. Trong tình yêu Thiên Chúa, tình huynh đệ cho tôi cảm giác như anh em chính là máu mủ ruột thịt vậy. Anh em sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Đặc biệt là quý cha hay các thầy cô giáo, họ đã thể hiện tình yêu huynh đệ qua những bài giảng, lời chia sẻ hướng dẫn chúng tôi mỗi ngày. Hơn thế nữa, trong những lúc tôi ốm đau thì tình yêu đó càng được thể hiện rõ hơn nơi phòng ăn. Nơi này anh em đã nấu cho tôi những tô cháo, tô phở, tô bún để cho tôi mau chóng được khỏi bệnh. Nhờ tất cả những điều trên, tình yêu trong tôi bắt đầu! Tình Chúa và tình huynh đệ dẫn đưa tôi đến việc “nói với Chúa và nói về Chúa”, đó chính là tình yêu sứ vụ. Chính tình yêu Chúa quy tụ anh em chúng tôi nơi phòng ăn, kết hợp chúng tôi trong tình huynh đệ, để chuẩn bị cho việc dấn thân vì Tin Mừng sau này.

Tóm lại, phòng ăn chính là điểm hẹn hò lý tưởng của anh em, là nơi chúng tôi được chia sẻ sứ vụ với các cha anh trong Dòng. Hơn hết, phòng ăn là nơi tình yêu của tôi với Dòng, với sứ vụ bắt đầu. Ước mong rằng nơi phòng ăn, hành trình tu trì của mỗi anh em được triển nở theo ý định của Thiên Chúa.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com