[ĐMX73] Có Một Con Đường…

24-03-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2080 lượt xem

_Gioan Baotixita Phạm Văn Viên_
“Những người trẻ sống đời dâng hiến cần nhận ra rằng, họ chỉ có một con đường duy nhất, là Thiên Chúa.”

Chuyện kia kể về hai cây mai ở Tu viện thánh Vinh Sơn Liêm.

Một ngày nọ, cây mai ở trong vườn phân bì với cây mai ở trước nhà nguyện rằng:

– “Anh có hình dáng đẹp, và lại còn được đứng trước nhà nguyện này, anh thật may mắn!”

Cây kia vừa hãnh diện nhưng cũng tỏ vẻ xót xa cho cây mai ở trong vườn, nên đáp lại:

– “Anh không nhớ gì sao? Ngày ấy, vị linh mục đến hỏi chúng ta: ‘Ta có việc cần dùng các ngươi, nhưng trước tiên ta phải cắt lại một số cành trước đã’. Lúc đó, anh đã tươi cười nói: ‘Thưa cha, con luôn sẵn sàng cho cha dùng con vào bất cứ việc gì’. Còn tôi thì tuy có chút miễn cưỡng, nhưng rồi cũng đồng ý. Sau đó, vị linh mục ấy đã cắt, tỉa từng cành một. Những vết cắt tỉa ấy, khiến chúng ta phải khóc thét vì quá đau. Một lúc sau, vị linh mục ấy lại hỏi chúng ta: ‘Ta vẫn cần phải cắt tỉa lại một số cành nhỏ thì mới dùng được!’ ‘Tôi không thể tiếp tục nữa!’, anh đáp lại một cách dứt khoát. Anh phản đối quyết liệt, vì những vết cắt tỉa ấy đã khiến anh hầu như không còn sức lực. Còn tôi, tôi cũng lo sợ như anh vậy, nó khiến tôi sợ hãi, nhưng khi thấy nét mặt buồn rầu trên khuôn mặt của vị linh mục ấy, tôi nghĩ, mình đã được vị ấy chăm sóc mỗi ngày, giờ đây mình cần hy sinh như để đáp ơn, và tôi đã chấp nhận đòi hỏi của ngài. Ngày qua ngày, tôi trở nên đẹp đẽ, hoàn chỉnh. Mỗi mùa tết đến, tôi nở những bông hoa đẹp nhất để cám ơn vị linh mục, và ngài đã mang tôi đến trước nhà nguyện để tôi có thể làm đẹp cho nhà nguyện này.”

Cây mai ở trong vườn hối hận, lòng như chết lặng rồi quay mặt đi.

***

Cuộc sống đời này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải chọn lựa – chọn lựa giữa sự công chính và tội lỗi, lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Chúng ta chỉ được chọn một trong hai; đã chọn cái này thì phải từ bỏ cái kia. Những chọn lựa như thế bao giờ cũng khó khăn nếu như ta không chuẩn bị một cách kỹ càng.

Việc chọn lựa ấy càng khó khăn hơn khi chúng ta sống trong một ‘thế giới phẳng’, một thế giới mà mọi thứ đều có thể tương tác với nhau. Thế giới phẳng tạo cơ hội để con người cùng tồn tại và phát triển, nếu ta sử dụng nó một cách hợp lý và theo chiều hướng tích cực. Ngược lại, vì nó ‘phẳng’ nên mọi thứ đều được đón nhận cách dễ dàng, ngay cả điều xấu cũng dễ dàng tràn lan trong xã hội. Cái phẳng này làm tăng cách biệt giữa giàu và nghèo, có học và kém học, đạo đức và bất lương,… Sống trong ‘thế giới phẳng’, là những người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi lựa chọn dứt khoát đứng về Thiên Chúa, hoặc nếu không sẽ dễ bị lôi cuốn theo cái ác. Lựa chọn đứng về Thiên Chúa là một chọn lựa của sự hy sinh, từ bỏ. Sự hy sinh ở đây là từ bỏ mọi thứ mình đang có để dâng hiến cho Thiên Chúa, để Thiên Chúa cắt tỉa mình theo ý muốn của Người. Từ bỏ không có nghĩa lãng quên hay khước từ mọi mối tương quan, nhưng là không để tình cảm yếu đuối của con người chi phối sự hiến dâng của mình, nhờ đó người Kitô hữu mới có thể tự do yêu thương tha nhân một cách quảng đại hơn. Những từ bỏ ấy chưa bao giờ là dễ dàng với họ, nó đòi hỏi người Kitô hữu phải có một đức tin mạnh mẽ để can đảm chịu đau đớn, chịu rỉ máu khi được Chúa Thánh Thần cắt tỉa.

Đối với người Thỉnh sinh Đa Minh, sự lựa chọn đó thể hiện trước hết và rõ ràng nhất nơi đời sống cộng đoàn. Chúng ta đến từ các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam, mang trong mình nét đặc trưng văn hóa của địa phương, khác nhau cả về tính cách và tâm tư. Họ đã chọn lựa bước theo và trở nên giống Đức Kitô, Đấng là chân lý, là tình yêu tuyệt đối. Người Thỉnh sinh đang sống trong thế giới phẳng nhưng chúng ta cần phải luôn là chính ta, là môn đệ Đức Giêsu. Do đó, ta cần được cắt tỉa để trở nên một Kitô hữu thật sự trong Đức Kitô để không bị hòa tan khi sống đời tu giữa thế giới phẳng này.

Nơi Thỉnh viện, anh em cùng chung một hướng đến là trở thành môn đệ của Đức Kitô, nhưng để cùng đồng hành, chung sống lâu dài ta cần phải hiểu nhau hơn. Ta không được tự chọn, mà được chọn đến sống với nhau, với tất cả những bất toàn của một con người trần gian. Chính những bất toàn ấy, ta cần được Thiên Chúa cắt tỉa, trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa dùng Thỉnh viện như chiếc kéo cắt tỉa anh em Thỉnh sinh để chuẩn bị cho việc hiện thực hóa khao khát mang tình yêu Chúa đến với mọi người, cụ thể qua đời sống hằng ngày. Trong đó, việc tham dự phụng vụ và cầu nguyện mỗi ngày là chính yếu, vì đó vẫn luôn là một cuộc hành trình tìm kiếm, gặp gỡ và khám phá không ngừng Đấng ở trong ta, nhưng cũng là Đấng ở trong mọi sự, nơi mọi người. Việc anh em cùng tham dự phụng vụ nói nên sự hiệp nhất tình huynh đệ. “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy” (Mt 18,20). Ngoài ra, trong sự thinh lặng chiêm niệm của giờ cầu nguyện riêng, anh em còn có thể tự mình hưởng nếm và nhận biết sự thiện hảo của Thiên Chúa, nhận ra được chính con người bất toàn của mình; để rồi nhờ Thiên Chúa mà những bất toàn ấy ngày càng được cắt tỉa dần. Bên cạnh đó, đối với Dòng Đa Minh, học hành là một phương tiện để thực hiện lý tưởng tu trì, ngang hàng với việc cầu nguyện và khổ chế. Học hành ở Thỉnh viện là sự chuẩn bị căn bản cho việc học Kinh Thánh và thần học. Học hành được coi là hành vi tâm linh, hành vi sám hối hữu ích, có khả năng dẫn đưa tu sĩ Đa Minh tới việc hiểu biết Thiên Chúa sâu xa hơn, hiểu biết về con người, về thế giới mỗi ngày mỗi trung thực, phong phú hơn nữa, và để phục vụ cho sứ vụ.

Qua đời sống chiêm niệm và học hành, anh em nhận ra được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình. Do đó, ta cần yêu thương nhau. Yêu thương người khác là một sự liều lĩnh, vì ta phải mở bản ngã của mình ra để đón nhận bản ngã của người khác, hoàn toàn khác biệt với mình, bước vào bản ngã của mình. Nhờ đời sống chiêm niệm và học hành, ta tập sống thật với chính bản thân mình, cái ta đang có, đang là. Nhờ đời sống chiêm niệm và học hành trong cộng đoàn, ta được sửa dạy, được anh em nâng đỡ, chia sẻ giúp nhau hoàn thiện hơn mỗi ngày. Không ít người khi sống trong cộng đoàn đã giấu đi những yếu đuối, đam mê, ích kỷ, tổn thương, v.v., dần dần họ trở nên sống một cách giả tạo, không chấp nhận sự thật; điều này càng khiến họ dễ tự tách ra khỏi cộng đoàn. Ta cần phải sống thật với chính mình, có khi ta phải đánh đổi bằng những mất mát, những đau thương, những rướm máu. Nhưng chính qua cái đau, cái khổ ấy mà ta ngày càng hoàn thiện mình hơn, vì “vị thánh nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai”. Nhờ đời sống chiêm niệm và học hành, ta có thể trở nên người bạn tri kỉ của nhau hơn. Là tri kỉ, ta dễ chia sẻ những điều khó nói trong lòng, dễ chấp nhận những lời sửa dạy cho nhau, từ đó hiểu nhau và sống hòa đồng hơn. Trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến, ĐGH Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tỳ hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ trong nhà của anh chị em”; thay vào đó, cần “đón tiếp và quan tâm lẫn nhau, chia sẻ tài nguyên vật chất và tinh thần, sửa bảo huynh đệ, tôn trọng những người yếu đuối…” (số 3).

Sống trong ‘thế giới phẳng’, những người sống đời sống dâng hiến luôn đứng trước sự thử thách và khủng hoảng của việc chọn lựa. Chúng ta luôn mong tìm được một hướng đi nào đó thích hợp, bớt được những khó khăn bao nhiêu thì hạnh phúc càng được thêm bấy nhiêu. Thế nhưng, điều này còn nhiều bước cản, vì con người thì giới hạn mà khát vọng lại vô cùng. Trong giới hạn của mình, con người lại được Thiên Chúa ban cho sự tự do. Có tự do, họ dễ dàng chọn sự tương đối – chính là thế gian đầy hỗn độn và xáo trộn. Thế gian ấy cho ta một ảo giác về hạnh phúc và bình an, rồi sẽ mang con người đến diệt vong. Vì ưa chuộng sự hạnh phúc và bình an giả tạo, con người dễ dàng thu nhỏ mình trong vùng an toàn của thế gian, rất ngại bước ra khỏi đó để đương đầu với những thử thách, những cắt tỉa đầy nước mắt. Nhưng nhờ có tự do, họ lại cũng có thể chọn Thiên Chúa là cùng đích đời mình. Chọn lựa này mới giúp con người đạt được hạnh phúc, bình an thực sự hay còn là sự sống đời đời mai sau. Vì thế, người Kitô hữu ngày nay, nhất là những người trẻ sống đời dâng hiến, cần nhận ra rằng, họ chỉ có một con đường duy nhất, là Thiên Chúa. Để có thể chọn đi theo con đường này, họ phải đọc ra được những dấu chỉ của thời đại. Họ cần đọc được ý Chúa qua những biến cố, những sự kiện trong cuộc đời chính mình, của những người xung quanh, nhất là qua Lời Chúa. Nếu con người không thể sống thiếu cơm bánh, thì người dâng hiến trẻ cũng không thể sống thiếu Lời Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Nhờ Lời Chúa, người dâng hiến sẽ có được sự lựa chọn đúng đắn, biết được sự yếu đuối của bản thân, để biết cậy dựa, tin tưởng vào một mình Chúa. Tất cả những ai bước vào đời tu đều được mời gọi trở thành người đi đầu trong việc tìm kiếm Chúa, một sự tìm kiếm luôn làm dao động lòng người. Cuối cùng, trong một thế giới không còn ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa, người đi tu cần phải luôn tự vấn: ‘Tôi là ai? Là cây mai trước nhà nguyện hay chỉ là một cây mai trong vườn?’ và can đảm, sẵn sàng để Chúa cắt tỉa.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com