[CN03MC-A] Có Một Người Luôn Đợi Tôi

14-03-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2028 lượt xem

Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42

__ Phêrô Lê Văn Đức__
Người phụ nữ Samari đã gặp Chúa, đã đơn sơ trò chuyện với Chúa, để rồi nhận ra Chúa và được Chúa biến đổi. Chúa không đến mời gọi ta cách ồ ạt, Người đặt câu hỏi, Người cứ rề rà kéo dài cuộc trò chuyện, Người buộc ta phải tìm câu trả lời, vấn đề là ta có chịu bỏ thời gian với Người hay không thôi.

Mỗi năm khi mùa Chay đến thì một màu tím u buồn được trải trên bàn thờ, nhắc nhở con người sám hối, thay đổi đời sống và từ bỏ tội lỗi. Tuy vậy, rất thường khi ta coi mùa Chay là thời gian để hối hận, dằn vặt, hay thậm chí đay nghiến chính mình. Nhưng Thiên Chúa mong muốn ta ở một mức độ cao hơn, đó là quay trở về với Chúa; và như thế, việc từ bỏ nếp sống cũ, ăn năn và chê ghét tội lỗi mình mới chỉ là chặng đường đầu để ta đạt được điều đó.

Mùa Chay đến là lúc ta được nhắc nhớ lại những lời giáo huấn của Đức Kitô, cụ thể qua Bài giảng trên núi, Người đã đưa luật cũ, vốn còn chưa trọn hảo khi chỉ đáp ứng những đòi hỏi luân lý cơ bản qua việc vạch trần tội lỗi và cho thấy điều phải làm, lên thành luật mới, luật của đức ái, giải thoát con người khỏi sự cứng nhắc và làm cho con người tự do vươn tới đời sống trọn hảo. Điều mà Đức Kitô muốn nơi chúng ta là thoát ra khỏi con người của hơn năm trăm điều luật để mặc lấy con người của một luật duy nhất, luật đức mến. Như vậy, hành động sám hối, tức ăn năn về lối sống đi ngược lại các điều răn, thực chất là đang chuẩn bị cho ta một điều quan trọng hơn, đó là bước vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Liệu mùa Chay thánh này, cuộc gặp giữa ta với Chúa có trở nên tốt đẹp hơn? Ta đã đáp lại thế nào khi Người mời gọi ta đến với nước hằng sống, với ơn cứu độ?

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và người phụ nữ Samari trong Tin Mừng Gioan là một ví dụ điển hình về việc Thiên Chúa đã đi bước trước để đến với con người và vấn đề là thái độ chúng ta đáp lại mời gọi của Người như thế nào. Thử đặt mình vào hình ảnh người phụ nữ, thử tưởng tượng về cách ta ứng xử khi ấy, ta mới thấy được mỗi ngày chính chúng ta cũng đang bắt gặp những hoàn cảnh như vậy và ta mới thấy được ta cần phải học hỏi người phụ nữ này như thế nào để trở về với Thiên Chúa.

“Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một người phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?”. “Thưa ông, ông không có gầu mà nước lại sâu, ông lấy đâu ra nước hằng sống?”. Gioan thích dùng lối đặt câu hỏi. Những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong Tin Mừng này thường là một cuộc đối thoại kéo dài được khởi đi từ những thắc mắc, như cuộc gặp giữa Đức Giêsu với anh mù, với Nicôđêmô,… Trong câu chuyện này cũng thế, ban đầu người phụ nữ không hiểu Đức Giêsu nói gì, nhưng qua những câu hỏi, những chất vấn, những băn khoăn, chị đã gặp được ánh sáng và sự sống.

Vậy thì, giả như…

… tôi là người phụ nữ Samari ấy …

Tôi sẽ nghi ngờ ngay khi ông Giêsu đến xin tôi nước. Rõ là ông này đã vi phạm những điều cấm kỵ, mà điều trước hết phải kể đến là một việc liên quan đến vấn đề tôn giáo. Người Do Thái coi người Samari là dân ngoại, những kẻ rối đạo và sùng bái ngẫu tượng trong khi người Samari cũng chẳng ưa gì những người Do thái khi cho họ là những kẻ kiêu ngạo. Sự thù hằn giữa người Do Thái và người Samari kéo dài hơn 8 thế kỷ. Vậy nên, ông Giêsu này, một người Do Thái, rõ là không được phép tiếp xúc với một người Samari. Thứ đến, ở phương Đông thời ấy, người ta cấm ai nói chuyện với phụ nữ ở chỗ công khai, vậy nên nói chuyện với người phụ nữ Samari đồng nghĩa với việc ông Giêsu này đã vi phạm điều cấm kỵ về giới tính. Chừng ấy thôi cũng đủ khiến tôi nghi ngờ rằng ông Giêsu hoặc đang có ý định gài bẫy tôi, hoặc phải chăng ông này bị người Do Thái tẩy chay? Như thế, rõ ràng tôi không nên tiếp tục cuộc trò chuyện này, tôi nên lảng đi, lấy nước mà về cho nhanh, trời đã trưa và tôi chỉ có một mình. Nhưng người phụ nữ ấy lại không làm như thế, chị vẫn ở lại và tiếp tục trò chuyện. Phải chăng vì chị muốn tỏ ra lịch sự? Hay vì chị tò mò về người đàn ông kỳ lạ này? Hay chị thương hại ông ta đang khát nước mà lại không có gầu nên chị muốn ở lại để giúp? Hãy để tôi tiếp tục xem phản ứng của chị thế nào…

Rồi tôi nghe ông ta nói về nước hằng sống và còn muốn cho tôi nước đó nữa. Ông này quả là nói những lời khó hiểu. Tôi là một người Samari, dù bị cho là dân ngoại, nhưng tôi cùng các đồng bào tự hào về cái giếng mà tổ phụ Giacóp đã để lại cho chúng tôi. Chúng tôi tin rằng: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này”, đây mới là nơi đích thực để thờ phượng chứ chẳng phải Giêrusalem, nơi người Do Thái chọn và mãi về sau họ mới xây dựng nên. Tôi đã duy trì truyền thống của tiền nhân, đến lấy nước nơi đây hằng ngày. Thế còn ông ta, ông là người Do Thái, vốn tự hào về đền thờ Giêrusalem, sao lại đến đây, dường như tỏ ra chịu lệ thuộc vào mọi thứ của vùng dân ngoại này? Bên cạnh đó, không có gầu, giếng lại sâu, mà ông lại nói với tôi về thứ nước hằng sống. “Nước hằng sống”, thật là một khái niệm khó hiểu, chẳng lẽ ông ta đã sống hơn tuổi của tổ phụ tôi là Giacóp hay sao? Ông ta đang khát nước, đang cần nước, đang xin tôi nước. Làm sao mà ông ta lại đề nghị thứ nước không bao giờ khát? Thật mâu thuẫn, hẳn là ông này bị điên. Những điều ấy làm tôi khó chịu quá thể. Nếu là tôi, tôi đã cắt đứt cuộc trò chuyện này. Nhưng người phụ nữ kia thì không. Chị lại xin thứ nước ấy. Phải chăng, chị quá đơn sơ, chị quá cả tin? Hay vì chị quá khao khát nước hằng sống ấy và chị nghĩ rằng thứ nước ấy sẽ giúp chị khỏi khát về thể lý, giúp chị khỏi phải mất thời gian và công sức đi gánh nước hằng ngày nữa, nếu không chị đã chẳng nói: “Xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi khỏi phải đến lấy nước”? Vậy hãy xem phản ứng tiếp theo của chị như thế nào…

Tiếp tục cuộc trò chuyện, khi ông ta bảo tôi đi gọi chồng tôi tới và tôi bảo tôi không có chồng thì ông này tiết lộ chính xác thân phận “bèo dạt hoa trôi” của tôi. Thân phận người phụ nữ Samari chúng tôi luôn phải chịu bán mình cho người đàn ông, đó là nỗi đau của chúng tôi. Ông này là ai mà lại biết quá khứ và cuộc đời hiện tại của tôi? Ông nói điều ấy ra như thể là đang phán xét tôi vậy. Ông ấy là ai mà tự cho mình đặc quyền đó? Tôi tự ái và giận dữ. Và tôi thật không hiểu sao người phụ nữ ấy có vẻ như không nổi điên như tôi. Chị rất bình tĩnh và nhìn ông theo một góc độ khác. “Tôi thấy ống thật là một ngôn sứ”, có lẽ chị suy luận ra điều này khi không ngờ rằng ông ta biết rõ chị đến thế. Và chị muốn tiếp tục trò chuyện…

Rồi khi ông ta chỉ cho tôi thấy ông ta là Đấng Mêsia, tôi hẳn càng tin chắc ông này đang cố lừa tôi để tôi đi theo ông. Không chỉ người Do Thái, người Samari chúng tôi cũng đang mong đợi Đấng Cứu Chuộc, làm sao mà anh chàng khát nước đang xin nước tôi uống này lại là Đấng ấy? Thật khó mà tin được. Nhưng người phụ nữ đã tin, đã chạy đi loan báo cho mọi người. Ai tin lời chị, một người phụ nữ thân phận thấp hèn, làm chứng cho một người Do Thái nói toàn những lời kỳ cục? Vậy mà đã có nhiều người trong thành ấy tin lời chị. Họ gặp ông ta, xin ông ở lại và khi sống với ông ta, họ đã tin ông là Đấng Cứu Độ. Có phải dân thành này ngây thơ? Không hẳn, nếu ngây thơ, họ đã chẳng tự hào về cội nguồn của mình. Vậy hẳn là lời chứng của chị ta quá mãnh liệt? Hẳn là sau cuộc trò chuyện đó, chị đã hoàn toàn tin tưởng để nói về Người bằng tất cả tấm lòng?

Như vậy, nếu như tôi là người phụ nữ Samari, tôi đã chẳng cho mình cơ hội để nói chuyện với người đàn ông này, tôi có thể đã sớm kết thúc cuộc trò chuyện. Tôi tự cho mình đủ khôn ngoan để phán xét về ông ta và không dễ chấp nhận điều gì đi ngược lại logic phán đoán của tôi. Và khi tôi cố chấp ngay từ giây phút ban đầu, mọi lời nói sau đó của ông ta trở nên vô nghĩa. Còn người phụ nữ này thì sao? Phải nói rằng chị là người phụ nữ đơn sơ, can đảm; chị dám nói chuyện với người đàn ông Do Thái lạ mặt; chị kiên trì đối thoại dẫu cho chị liên tục thắc mắc về những lời ông này nói; để rồi chị tìm được nước hằng sống đích thực thay đổi cuộc đời chị khi chị nhận ra ông này chính là Đấng Kitô, Đấng cứu chuộc. Chị trở nên môn đệ Đức Kitô, làm chứng về Người đầy sống động và hữu hiệu.

Mỗi ngày, chúng ta đều gặp Chúa

Người phụ nữ Samari đã gặp Chúa, đã đơn sơ trò chuyện với Chúa, để rồi nhận ra Chúa và được Chúa biến đổi. Chúa không đến mời gọi ta cách ồ ạt, Người đặt câu hỏi, Người cứ rề rà kéo dài cuộc trò chuyện, Người buộc ta phải tìm câu trả lời, vấn đề là ta có chịu bỏ thời gian với Người hay không thôi. Chúng ta “khát” hằng ngày, nhưng chúng ta không đủ can đảm để xin Chúa “nước”. Thử nghĩ mà xem! Có phải ta nghi ngờ rằng Chúa sẽ chẳng giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống của ta? “Ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống”. Người phụ nữ Samari ấy có lý đấy. Và chúng ta cũng có lý nữa. Ta mệt mỏi và bực bội vì lắm chuyện của cộng đoàn. Làm sao Chúa có thể hóa phép để ta quên được những rắc rối ấy? Rồi khi ta cố mãi mà việc học chẳng tiến bộ hơn thì làm sao ngồi yên một chỗ thì thầm với Chúa lại giúp ta sáng dạ ra được? Do đó, lắm khi ta chẳng muốn đến nhà nguyện. Rồi khi bước vào nhà nguyện, ta sớm chán nản và bỏ cuộc khi Người chẳng đáp ứng nhu cầu của ta. Rất nhiều khi ta xin Chúa một giải pháp thôi để ta giải quyết mọi chuyện thật êm xuôi, rất nhiều khi ta xin Người một gợi ý thôi để ta viết được bài văn, giải một bài test,… nhưng Người lại chẳng cho một giải pháp thỏa đáng. Mọi thứ vẫn vậy, chẳng tiến triển, thậm chí còn tệ hơn sau khi ta gặp Chúa. Và rồi, ta dần chán đến nhà nguyện, dần xa rời Chúa, việc cầu nguyện chỉ là hình thức không hơn không kém.

“Thưa ông, ông không có gầu mà nước lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống” (Ga 4,11), “Một người già rồi, làm thế nào mà lại có thể sinh ra” (Ga 3,4), đó là những thắc mắc của người phụ nữ Samari và của Nicôđêmô khi gặp Chúa. Ta cũng thế, ‘Làm sao mà công việc, đời sống, các mối quan hệ và mọi việc của con lại xảy ra như vậy?’ Nhưng nếu ta cố chấp, ta thiếu đức tin, kiên nhẫn, ta bỏ đi, ta sẽ mãi chẳng gặp được Chúa. Nhờ mang một tâm hồn đơn sơ và kiên trì đối thoại mà bao người trong Tin Mừng đã nhận được ánh sáng. Chúng ta cũng thế, điều chúng ta cần là kiên nhẫn đến với Chúa và lắng nghe lời Người. Hãy thoải mái bộc bạch cho Người những tâm tư, những thắc mắc trong đời sống của ta. Đừng vội tìm câu trả lời. Có thể sau khi gặp Chúa, ta lại còn thắc mắc hơn nữa. Nhưng chừng nào ta cứ duy trì không gian đối thoại với Thiên Chúa, ta sẽ nhận ra rằng, đó chính là những nấc thang từ từ dẫn ta tới chìa khóa của mọi vấn đề; và quan trọng hơn hết, sau những thắc mắc, ta sẽ nhận ra được chân lý, nhận ra được khuôn mặt đầy yêu thương của Thiên Chúa. Khi ấy, cũng như người phụ nữ Samari hớn hở chạy đi loan báo cho mọi người, ta cũng vui mừng làm chứng cho Chúa với người khác. Và khi ấy, ta không còn phải sám hối ăn năn tội lỗi mình theo kiểu hình thức, ta nhận ra rằng ta ở trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa và điều ấy tự nó thúc đẩy ta tránh xa tội lỗi. Thay vì giữ luật, thay vì phán xét để xem nên làm hay cần tránh điều gì, ta hoàn toàn tự do để hướng tới đức ái trọn hảo.

* * *

Hành trình đời tu cách nào đó cũng giống như việc buổi trưa nọ, nắng lên, trời nóng, ta ra giếng để lấy nước và gặp Đức Giêsu đã ở đó trước và chờ ta. Trong hành trình ấy, ngày nào ta cũng “khát”, ngày nào ta cũng cần nước để uống, nhưng ta lại muốn tự mình giải quyết cơn khát ấy. Nhưng Đức Giêsu thì muốn ta trò chuyện với Người, vì Người biết ta thực sự cần gì. Người từ từ thong thả, nhưng ta thì vội vã hấp tấp. Người thì kiên nhẫn, trong khi ta lại dùng mọi loại lý lẽ để giải quyết gọn ghẽ. Tuy nhiên, như người phụ nữ Samari, nếu ta kiên nhẫn với cuộc trò chuyện này, ta không chỉ có nước để giải khát, mà còn chẳng bao giờ phải khát nữa.

Ta đang sống trong mùa Chay, mùa của việc sám hối. “Sám hối là nhận ra sự hủy hoại của tội lỗi, là đau vì hậu quả của tội; nhưng sám hối cũng là biết “mỉm cười” vì tin vào Tin Mừng cứu độ”[1]. Chính người phụ nữ Samari kia đã sống được tinh thần sám hối này. Nhờ ơn Chúa, chị đã nhận ra được tình trạng tội lỗi của mình, và sau đó, cũng nhờ ơn Chúa, chị đã “mỉm cười”, đã bỏ lại vò nước và vui vẻ hân hoan đi loan tin cho mọi người rằng, chị đã tìm được nước hằng sống. Ước mong sao, anh em Thỉnh sinh biết tận dụng thời gian này để năng ra giếng mỗi ngày để gặp Chúa, kiên nhẫn ở lại trò chuyện với Chúa hầu uống được nước hằng sống.

“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa. Và tâm hồn con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Thánh Augustinô)

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com