[CN24TN-A/ Thứ 3 Tuần 3MC] Tha Thứ Không Giới Hạn

16-09-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3814 lượt xem

 Hc 27,30 – 28,7; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần. Phần đầu, ông Phêrô hỏi Thầy về số lần phải tha thứ cho anh em và câu trả lời của Đức Giêsu. Phần thứ hai, Đức Giêsu kể một dụ ngôn cho biết tại sao con người luôn phải tha thứ cho nhau.

Con số 7 lần tha thứ cho anh em ông Phêrô nêu lên có nghĩa gì?

Người Việt có câu: “Quá tam ba bận”. Còn các Rabbi Do Thái thì dạy rằng, tha thứ cho người thân cận ba lần đã là quá đủ rồi, nếu người ấy còn xúc phạm lần thứ tư thì không cần phải tha nữa.

Nêu lên con số 7 lần tha thứ, tức là hơn gấp đôi số lần các Rabbi dạy, như thế là rất rộng lượng. Có lẽ ông Phêrô hàm ý một sự đồng tình của Thầy và chờ đợi sự khen ngợi chăng?! Nhưng, Đức Giêsu dạy ông Phêrô: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”, có nghĩa là phải tha thứ luôn luôn, không đếm số lần.

Để minh hoạ cho giáo huấn về sự tha thứ không giới hạn này, Đức Giêsu kể dụ ngôn Tên mắc nợ không biết thương xót. Có một sự chênh lệch quá lớn về số nợ, một bên là 10.000 yến vàng, một bên là 100 quan tiền. Nếu quy đổi theo giá trị tiền tệ lúc bấy giờ thì tỉ lệ là 500.000:1.

Khi một người mắc nợ, người đó đặt mình vào trong tình trạng lệ thuộc vào chủ nợ. Khi được tha nợ, anh ta được giải thoát khỏi tình trạng lệ thuộc. Cũng vậy, một người gây ra sự xúc phạm, làm tổn thương danh dự của người anh em, người ấy phải chịu một món nợ với anh em mình. Được tha thứ có nghĩa là được xoá đi món nợ, được giải thoát khỏi tình trạng lệ thuộc. Người tha nợ và kẻ được tha nối lại mối tương quan bình đẳng với nhau.

Qua dụ ngôn, Đức Giêsu cũng ngụ ý rằng, sự tha thứ không chỉ là hành vi thuần tuý nhân bản, quan trọng hơn tha thứ cho nhau còn mang chiều kích hướng thần. Nói như thế có nghĩa là gì?

Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã đặt định sẵn một quy luật để các thụ tạo vận hành trong trật tự và đạt đến cùng đích của chúng. Riêng con người, vì được ban tặng cho lý trí và ý chí, thì phải dùng khả năng ấy của mình mà nhận ra lề luật của Thiên Chúa và tự do bước vào trong tương quan với Người. Ngay từ khởi đầu, con người đã không sử dụng đúng mức ân huệ và khả năng Chúa ban. Vì muốn tách mình khỏi Đấng Tạo Hoá, ông bà nguyên tổ đã bất tuân mệnh lệnh của Người. Hành động như thế, con người xúc phạm đến Thiên Chúa, đến danh của Người, và như thế là mắc nợ Thiên Chúa.

Nhân loại khởi đầu lịch sử của mình với món nợ quá lớn và không thể tự mình trả được cho Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ là công trình của Thiên Chúa nhằm tha món nợ ấy cho con người. Qua hy lễ giao hoà của Đức Kitô trên Thập giá, Thiên Chúa xoá bỏ tội nợ cho nhân loại, và cho chúng ta được nối lại mối tương quan thân tình với Người.

Sách Huấn Ca dạy rằng “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2). Đi xa hơn, qua dụ ngôn, Đức Giêsu nêu lên động lực của việc tha thứ chính là Thiên Chúa. Khi đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, con người học biết tha thứ cho nhau. Vì Thiên Chúa đã tha nợ và cho con người đến gần Người, thì con người cũng phải thương xót và tha thứ anh em của mình. “Đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33)

Tha thứ một lần đã khó, nói chi đến bảy lần, thập chí là “bảy mươi lần bảy”. Tha thứ luôn luôn như Đức Kitô đòi hỏi chỉ có thể được thực hiện nhờ ơn Chúa. Chính vì thế, Đức Giêsu dạy chúng ta Kinh Lạy Cha – lời kinh chúng ta đọc nhiều lần trong ngày, để kêu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, đồng thời xin Người trợ giúp để chúng ta biết tha thứ cho nhau. Amen.




Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com