[Ngày 12 tháng 2] Chân Phước Rêginanđô – Nhà Giảng Thuyết Đáng Kính

11-02-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1735 lượt xem

“Trong con mắt của anh em thời kỳ đầu, và xuyên suốt 800 năm lịch sử của Dòng, nhà giảng thuyết đáng kính này luôn được tôn kính như là một trong những trụ cột vững chắc nhất của Dòng.”

Phêrô Vũ Đức Duy

Giáo Hội ngày nay có rất nhiều dòng tu với nhiều kiểu tu phục khác nhau. Có những kiểu tu phục trở thành dấu chỉ của những ơn lạ mà Thiên Chúa tỏ hiện qua các thánh. Có những kiểu tu phục thể hiện nét linh đạo, hoặc thể hiện nếp sống thời khai nguyên của dòng tu ấy. Có những kiểu tu phục ban đầu chỉ là y phục thường ngày của người tu sĩ, hay của Đấng sáng lập, nhưng trải qua tháng năm lịch sử, nó mang một ý nghĩa như dấu chỉ của đời thánh hiến… Ví như vào thời cha thánh Đa Minh cách đây hơn 800 năm, ngài đã không chọn cho Dòng mình một bộ tu phục riêng. Ngài chỉ mặc bộ thường phục giản dị và đơn sơ của những người nghèo lúc bấy giờ. Tuy nhiên, lịch sử đã để lại câu chuyện rất ý nghĩa về bộ tu phục của anh em Dòng Giảng Thuyết liên quan đến cuộc đời chân phước Rêginanđô, một trong những môn đệ tiên khởi của cha thánh Đa Minh.

Trong số những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh, ít người được nhắc đến thường xuyên, hay được ca ngợi như chân phước Rêginanđô. Thánh nhân sinh vào khoảng năm 1180 tại Giáo phận Orléans nước Pháp. Trước khi vào Dòng, người tu sĩ giảng thuyết tương lai này đã gặt hái được nhiều thành công trong việc nghiên cứu, đã tốt nghiệp Đại học Paris với văn bằng Tiến sĩ năm 1206, và sau đó đã từng giảng dạy Giáo Luật tại đây trong 5 năm.

Không chỉ là một học giả uyên bác, ngài còn là một người có đời sống đạo hạnh, đặc biệt, ngài rất sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Do đó, con người thánh thiện nhưng khiêm hạ này được mọi người rất quý trọng. Với lòng bác ái và sự khiêm nhường, ngài tiến bộ rất nhanh trên đường nhân đức. Sau khi gia nhập kinh sĩ đoàn giáo phận, với đời sống thánh thiện trổi vượt, ngài được anh em bầu làm Bề trên, chức vị đang bị khuyết ở Saint Aignan. Tuy nhiên vì khiêm nhường, dù không thích, ngài vẫn can đảm nhận chức Tu viện trưởng ở Saint Aignan vào năm 1212 để gắn bó hơn với việc phục vụ Giáo Hội.

Lịch sử cho chúng ta thấy vị bề trên này đã nêu gương sáng bằng đời sống của mình. Noi gương Chúa Kitô, ngài dành đời sống của ngài cho người nghèo cách tuyệt đối. Tuy nhiên ngài vẫn cảm thấy có một điều gì đó đang đòi hỏi nơi mình hơn nữa. Thiên Chúa quan phòng luôn ở bên cạnh chân phước Rêginanđô và đã dọn sẵn cho ngài một vị trí trong Dòng Đa Minh. Một lần, Đức cha Manasses de Seignelay, Giám mục của Orléans, quyết định đến thăm Rôma và Thánh địa. Vì là bạn thân của vị bề trên trẻ tuổi, ngài đã mời Rêginanđô đi cùng. Thánh nhân sẵn sàng chấp nhận lời mời, vì đây là cơ hội đáp ứng lòng mong đợi được đặt chân tới vùng đất thánh, nơi in dấu chân Chúa và các thánh tử đạo. Trong chuyến đi này, Rêginanđô đã gặp được cha Đa Minh. Được thu hút bởi tính cách và những bài giảng của cha Đa Minh, Rêginanđô đã mau mắn xin gia nhập Dòng. Tuy nhiên, Rêginanđô lại mắc bệnh hiểm nghèo. Quý mến người anh em này, cha Đa Minh thường xuyên cầu nguyện cho ngài mau được hồi phục. Vì đều yêu mến Đức Mẹ, cả hai đã phó dâng sự đớn đau thể xác này cho Mẹ Thiên Chúa. Cha Giođanô đã quả quyết rằng Đức Trinh Nữ Diễm Phúc đã hiện ra với Rêginanđô trong lúc người lâm bệnh để xức dầu chữa lành cho ngài và trao cho ngài bộ tu phục mà các Anh Em Giảng Thuyết sẽ mặc. Sau khi trao tu phục cho Rêginanđô, cha Đa Minh đã chọn mặc thêm áo phép (scapulare) như cách mà Đức Trinh Nữ đã chỉ cho Rêginanđô thấy. Từ đó, tu phục của Dòng đã trở thành một bảo chứng tình yêu mà Đức Trinh Nữ đặc ban cho Dòng.

Sau khi đã lãnh nhận tu phục, người được cha Đa Minh sai đến Bologna để kiến thiết một tu viện ở đây. Nhờ vào tài quản trị của Rêginađô, mà tu viện Santa Della Mascarella trở thành trung tâm nổi tiếng về giáo dục. Tại đây, lời rao giảng hùng hồn của Rêginanđô đã làm cho các tội nhân cứng lòng từ bỏ con đường tội lỗi, đời sống tinh thần của người dân trở nên tốt hơn, và ơn gọi vào Dòng cũng tăng lên đáng kể. Với thành quả mà cha Rêginanđô mang lại, Đức cha Di Fratta, theo đề nghị của Hồng y Ugolino Di Segni, đã trao cho Dòng nhà thờ thánh Nicholas Vines. Tại đây, một tu viện lớn khác được xây dựng và được khánh thành năm 1219.

Nhận thấy những thành công mà cha Rêginanđô đã đạt được, cha Đa Minh đã thiết tha mong cha Rêginanđô trở lại Pháp giúp đỡ anh em. Cũng như ở Bologna, tại đây, cha Rêginanđô cùng với anh em đã thu hút nhiều sinh viên gia nhập Dòng với lòng nhiệt thành giảng thuyết và mục vụ tông đồ. Sau những tháng năm hoạt động miệt mài và hăng say vì Giáo hội, cha Rêginanđô đã trút linh hồn mình trong tay Thiên Chúa vào những ngày đầu của tháng 2 năm 1220. Thi hài của ngài được an táng trong nghĩa trang Notre Dame des Champs. Trong con mắt của anh em thời kỳ đầu, và xuyên suốt 800 năm lịch sử của Dòng, nhà giảng thuyết đáng kính này luôn được tôn kính như là một trong những trụ cột vững chắc nhất của Dòng. Năm 1875, Đức Giáo hoàng Pio IX đã chuẩn y việc tôn kính ngài và tuyên phong chân phước cho ngài. Phụng vụ Dòng Đa Minh kính nhớ ngài vào ngày 12 tháng 2 hằng năm.

Chiêm ngắm gương sống đời tu Đa Minh của chân phước Rêginanđô, chúng ta được mời gọi quý trọng ơn gọi của bản thân, năng rèn luyện các nhân đức và tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của chân phước Rêginanđô, xin Chúa giúp cho mọi tu sĩ Đa Minh mỗi khi mặc tu phục luôn nhớ đến đặc sủng của Dòng mình, để sống xứng đáng và làm rạng danh Chúa qua đặc sủng ấy.

Xin cho các anh em thỉnh sinh chúng con, khi đang tìm hiểu đời sống thánh hiến qua linh đạo Đa Minh, biết nhận ra con đường Chúa muốn chúng con dấn thân, noi gương chân phước biết sống khiêm nhường, trung thành trong ơn gọi hầu dẫn đưa chúng con đến cuộc sống mai sau.

Đọc thêm: Bài đọc 2 Kinh Sách, Phần riêng Dòng Đa Minh, kính nhớ Chân phước Rêginanđô

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com