Trong thời gian làm giảng sư ở Paris (1245-1248), thánh nhân gần gũi với nhiều sinh viên, trong đó có một sinh viên rất sáng giá là thánh Tô-ma thành A-qui-nô (Tommaso d’Aquino). Vì vậy, khi tôn sư An-be-tô trở về Köln (Cologne, Đức) để lập Trường thần học (Studium generale), chàng sinh viên Tô-ma cũng đi theo thầy. Sau này, khi người học trò của mình bị tố cáo lệch lạc trong tư tưởng, mặc dù đã cao niên, thánh An-be-tô vẫn không ngần ngại lên đường đi biện hộ cho thánh Tô-ma.
Thánh An-be-tô rất yêu mến sự khôn ngoan và đã dành gần như trọn cuộc đời của mình cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Thế nhưng, là một tu sĩ, thánh nhân đã tôn trọng quyết định của anh em Đa Minh Đức khi họ bầu chọn người làm giám tỉnh, rồi sau đó vâng lời đức thánh cha khi người được bổ nhiệm làm tổng giám mục Regensburg (Ratisbonne) ở miền Nam nước Đức, một chức vụ mà thánh nhân đã thực hiện vì vâng phục chứ không vì một lý do nào khác. Vốn đã quen thuộc với những vị giám mục sang trọng trong lối sống và quý phái trong từng lời nói, cử chỉ, dân chúng vô cùng ngạc nhiên khi thấy một vị giám mục xuề xoà trong xã giao và giản dị trong lối sống. Nhưng rất may, chỉ hai năm sau, thánh An-be-tô được giải thoát khỏi mọi trách nhiệm của một mục tử để trở về với công việc mà người yêu thích, đó là dạy học. Thánh An-be-tô viết rất nhiều, trong đó công trình vĩ đại nhất là bộ bách khoa toàn thư gồm 26 cuốn thể hiện vốn kiến thức uyên bác của người không chỉ về triết học và thần học mà thôi nhưng còn về nhiều ngành khoa học tự nhiên khác nữa. Vì vậy năm 1941, đức thánh cha Pio XII đã đặt thánh An-be-tô làm bổn mạng của các nhà khoa học và tôn phong người tước hiệu “Doctor universalis” (tiến sĩ bách khoa).
Nhưng đối với thánh An-be-tô, vượt trên cả sự khôn ngoan và vốn hiểu biết tường tận về nhiều lãnh vực nghiên cứu là một tu sĩ mẫu mực trong lối sống và mẫn cán trong công việc. Chính nhờ biết kết hợp một cách hài hoà giữa đời sống tâm linh và đời sống trí thức, giữa khoa học và đức tin, giữa sự khôn ngoan của con người và lòng yêu mến Chúa, thánh nhân đã khám phá nhiều quy luật của tự nhiên và thăng tiến trong thánh khoa. Chính thánh nhân đã góp phần rất lớn trong việc hoà giải đức tin và lý trí. Thánh An-be-tô đã cho thấy lý trí hoàn toàn phù hợp với đức tin được mạc khải qua Thánh kinh. Điều này mời gọi các nhà khoa học, qua việc nghiên cứu về tự nhiên, nhận ra vẻ đẹp lộng lẫy của Thiên Chúa được thể hiện qua các công trình của Người để từ đó thánh hoá đời sống của mình.
Mặc dù là một giáo sư danh tiếng, nhưng sinh thời thánh nhân phải cùng với thánh Bonaventura (†1274, dòng thánh Phan-xi-cô) đấu tranh để bảo vệ quyền giảng dạy đại học của các tu sĩ. Thánh An-be-tô qua đời năm 1280 ở Köln. Người để lại một di sản tinh thần rất lớn. Với tinh thần cởi mở, người đã đón nhận và làm cho những người khác nhận ra giá trị của tư tưởng Aristote, vì thời đó, có rất ít người biết đến đại triết gia ngoại giáo này. Chính thánh nhân đã mở cánh cửa đưa triết học Hy Lạp vào thần học và sau này chính thánh Tô-ma, người học trò quý mến của thánh An-be-tô, sẽ làm cho triết học Aristote trở nên quen thuộc với thế giới Ki-tô giáo phương Tây. Đóng góp này của thánh An-be-tô được coi như một cuộc cách mạng văn hoá và tư tưởng thời đó.
Ngoài ra, thánh An-be-tô còn là người tiên phong trong việc tách rời triết học ra khỏi thần học để trở thành một ngành nghiên cứu độc lập, phân biệt với thần học nhưng lại hoà nhịp với thánh khoa trong việc truy tầm chân lý. Nhờ đó, triết học và thần học mới có thể đối thoại với nhau, cộng tác với nhau một cách hài hoà trong việc khám phá ơn gọi đích thực của con người, một loài sinh vật biết khao khát tìm kiếm chân lý và sự sống vĩnh cửu và được mời gọi chia sẻ hạnh phúc và vinh quang của Thiên Chúa, cội nguồn của chân, thiện, mỹ.
Thánh An-be-tô là người có khả năng truyền đạt những khái niệm phức tạp và trừu tượng của triết học và thần học một cách dễ hiểu bằng một ngôn ngữ giản dị. Người thực sự là một người con của thánh Đa Minh: rao giảng bằng trái tim và lòng nhiệt huyết, thuyết phục người khác mà không cần dùng những kỹ thuật hùng biện tinh xảo nhưng bằng chính gương sáng của đời sống và sự chân thực trong lời nói.
Nguyện xin thánh An-be-tô giúp chúng con luôn biết khao khát tìm kiếm chân lý, yêu mến lời Chúa và chuyên cần trong đời sống cầu nguyện để nhận ra vẻ đẹp lộng lẫy của Thiên Chúa trong thiên nhiên và gương mặt của Người trong những người anh em. Amen.
Tài liệu tham khảo:
BENOÎT XVI, “Audience générale”, mercredi 24 mars 2010. Édouard-Henri WÉBER, “Albert le Grand (1193?-1280)”, Encyclopædia Universalis. Jean-Marie VERNIER, “De l’influence d’Albert le Grand sur Marsile Ficin”, Revue des sciences philosophiques et théologiques, 2012/2 (vol. 96), tr. 269-292.
Lm. Giêrônimô Bùi Thiện Thảo, op.
Nguồn: http://daminhvn.net/nhan-dinh/vi-thanh-ca-cua-nuoc-duc-19246.html