[7/11 Lễ Thánh Vinh Sơn Liêm] Nếp Sống Chứng Tá Đi Trước Tử Đạo

07-11-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3746 lượt xem

Hôm qua, lịch phụng vụ Đa Minh mừng kính các thánh tử đạo của Dòng tại Viễn Đông. Hôm nay, tu viện chúng ta lọng trọng mừng kính thánh tử đạo Vinh Sơn Liêm, bổn mạng tu viện. Ngài là một trong số 4 vị thánh tử đạo đầu tiên của Dòng1 đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin, góp phần xây dựng Hội thánh trên quê hương Việt Nam.

Vào năm 1587, tỉnh dòng Rosario được thiết lập cho sứ mạng truyền giáo tại Châu Á. Trong suốt hơn 350 năm truyền giáo, đã có khoảng 300 tu sĩ của Tỉnh dòng này được cử đến các quốc gia Viễn đông. Các nhà truyền giáo Đa Minh khi đặt chân đến các quốc gia Việt Nam, Nhật Bản và Trung hoa, đã sớm phải đối diện với sự bách hại dữ dội ở những vùng đất này. Chỉ riêng trong số 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, Dòng Đa Minh đã đóng góp cả thảy 38 vị. Chính máu của các vị thừa sai, cùng với đông đảo các linh mục, tu sĩ, thầy giảng và giáo dân Đa Minh Việt Nam đã trở thành hạt giống sinh ra các Kitô hữu cho 4 Giáo phận Đông đàng ngoài: Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng và Bắc Ninh, và khai sinh ra Tỉnh dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Việt Nam.

Nhắc đến gia sản đức tin mà các cha anh của Dòng, cách riêng thánh Vinh Sơn Liêm đã để lại bằng chính cái chết tử đạo, chúng ta được khích lệ để can đảm sống và làm chứng cho đức tin trong hoàn cảnh hôm nay. Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm sinh năm 1732 trong một gia đình Công Giáo tại làng Trà Lũ, giáo phận Bùi Chu. Theo đuổi ơn gọi linh mục, thầy Vinh Sơn Liêm đã được gửi đến Manila để học và đã gia nhập Dòng tại đây. Trở về Việt Nam, cha Vinh Sơn Liêm được cắt cử dạy học cho các tiểu chủng sinh một thời gian, rồi sau đó được cử trông coi giáo xứ tại giáo phận Bùi Chu trong giai đoạn Việt Nam đang bắt đầu xảy ra những bách hại. Cha Vinh Sơn Liêm bị bắt và cùng với cha Giaxintô Gia, chịu tử đạo vào ngày 7 tháng 11 năm 1773.

Với những tài liệu lịch sử ít ỏi, ngoài chứng tích tử đạo ta không biết nhiều về cuộc đời của vị thánh bổn mạng. Tuy nhiên, có một tác phẩm khá cổ điển được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán, tựa đề “Hội đồng tứ giáo”2 thường được gán cho thánh Giaxintô Gia và thánh Vinh Sơn Liêm là đồng tác giả. Đọc tác phẩm này phần nào ta có thể hiểu được ít nhiều về cuộc đời của vị thánh bổn mạng, hoặc ít là biết được bầu khí sống đạo và làm chứng cho đức tin của các tu sĩ Đa Minh vào những thời điểm Giáo hội Việt Nam bị bách hại.

Tác phẩm “Hội đồng tứ giáo” kể lại cuộc tranh luận giữa hai đại diện Thiên Chúa giáo là cha Giaxintô Gia và cha Vinh Sơn Liêm, với đại diện của ba tôn giáo khác đang thịnh hành tại Việt Nam lúc ấy là Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Cuộc tranh luận xoay quanh ba vấn nạn: 1/ Con người từ đâu mà đến? 2/ Con người sống ở đời này như thế nào? 3/ Chết rồi, con người sẽ đi về đâu? Khởi đi từ các vấn nạn đời người, hai đại diện của Thiên Chúa Giáo cố gắng dùng những lý lẽ và đưa ra bằng chứng rằng Đạo Thiên Chúa là “đạo thật”, là “chính đạo”, chứ không phải là “tà đạo” như là người ta thường nghĩ và gán cho như vậy.

Cuốn sách kể lại cuộc tranh luận có phần nặng về đạo lý, nhưng lại soi sáng cho ta hiểu hơn về cách thức người Kitô hữu làm chứng cho đức tin của mình. Tử đạo là cách thức nổi bật để làm chứng cho niềm tin Kitô trong những giai đoạn bách hại. Sống đức tin để trả lời cho những vấn nạn của cuộc đời con người, cũng là một cách thức liên lỉ làm chứng cho đức tin, cho Tin Mừng, cho “chính đạo”. Trước khi tử đạo, thánh Vinh Sơn Liêm đã làm chứng cho đức tin bằng cách thức này khi ngài hết mình theo đuổi ơn gọi Đa Minh và dấn thân cho sứ vụ của Dòng qua những phận vụ được trao phó. Hay có thể nói rằng, nhờ một nếp sống chứng tá theo ơn gọi Đa Minh đi trước, mà cha Vinh Sơn Liêm đã có thể làm chứng cho Đức Kitô một cách quả cảm bằng chính mạng sống mình.

Đón nhận gia sản đức tin do cha anh để lại, chúng ta chắc là không có cơ hội để làm chứng bằng sự tử đạo, nhưng có thể cùng với thánh Vinh Sơn Liêm làm chứng cho Tin Mừng bằng sự trung tín với nếp sống và sứ vụ cha Đa Minh để lại, và đã được các thế hệ cha anh tiếp bước trong suốt 800 năm qua. Amen.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com